Khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy có 26% người Việt hoàn toàn không đọc sách. Dịch Covid khiến mọi người sống chậm lại, không ít người ở nhà đã chọn thú vui là đọc sách, chia sẻ các trải nghiệm đọc thú vị, truyền cảm hứng. Vậy, bạn có nhận ra mình là ai trong những kiểu độc giả dưới đây?
Tranh: Lorena Spurio
Khi sáng tác, mỗi tác giả đều muốn đặt vào tác phẩm một giá trị, thông điệp nhất định. Tuy nhiên, trải nghiệm của mỗi độc giả khi đọc cùng một cuốn sách không bao giờ giống nhau. Ý nghĩa biểu hiện, câu chuyện trong trang sách kết hợp với trải nghiệm, hiểu biết cá nhân của mỗi độc giả để tạo ra hàng tỷ hiệu ứng khác biệt. Cùng một trang sách, có người đọc thờ ơ vì không thấy gần gũi với chi tiết nào trong đó, có khi lại được thuộc lòng từng chữ bởi một người có nhiều góc nhìn chung với tác giả do cùng nền văn hoá, chung hoàn cảnh sống hay nghề nghiệp, địa vị xã hội,..
Cuốn “Pedo Páramo” (Joan Rulfo) nhận phải nhiều phản hồi trái chiều từ độc giả khi ra mắt, đây cũng là cuốn sách được nhà văn Gabriel García Márquez yêu thích đến mức thuộc lòng, lấy cảm hứng để cho ra kiệt tác “Trăm năm cô đơn”
Lấy ví dụ như cuốn “Pedro Páramo” của nhà văn Mỹ Latinh Joan Rulfo, lối kể khác biệt cùng với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đậm nét đã hình thành hai trường phái độc giả khác biệt khi đọc tác phẩm này. Nhiều độc giả “đánh mất kiên nhẫn” từ những trang đầu tiên bởi lối kể mơ hồ, động cơ khó hiểu của các nhân vật và sự hư cấu khó nắm bắt. “Pedro Páramo” chỉ bán được 2000 bản trong 4 năm đầu tiên.
Cùng những đặc điểm trên, không thiếu người mê cuồng tác phẩm “Pedro Páramo”. Nhà văn Gabriel García Márquez từng thất bại ở 4 tiểu thuyết đầu tay cho đến khi đọc “Pedro Páramo”. Cuốn sách này đã thay đổi đời ông, mở ra con đường sáng tác cho kiệt tác “Trăm năm cô đơn”. Nhiều nhà văn Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Joan Rulfo sau này, và tôn vinh ông là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trên mọi loại ngôn ngữ.
Hai trong nhiều cuốn sách nhận được phản hồi trái chiều từ người đọc, vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nay: “Hoá thân” (Franz Kafka) và “Lolita” (Vladimir Nabokov)
Với mỗi cá nhân, việc đọc cùng một cuốn sách ở những thời điểm khác nhau cũng tạo cảm nhận khác biệt, phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc hay chiều sâu của cuốn sách họ cầm trên tay. Văn học thời cải cách ruộng đất những năm 50 hẳn còn dấu ấn với những người sinh ở thế hệ 7x, 8x nhưng khá xa lạ với thế hệ 9x trở về sau. Tương tự trong điện ảnh, nhà phê bình Lê Hồng Lâm có trải nghiệm ở nhiều thái cực khi xem “A Pigeon Sat On A Branch Reflecting on Existence”. Anh phải xem 4 lần mới hết bộ phim kỳ lạ dài 100 phút, hầu như không nắm bắt được gì. Khi đã qua cửa ải khó ban đầu, anh “xem lại một mạch, trọn vẹn và sướng”. Trong văn học cũng vậy.
Dưới những biến cố phức tạp trên để có một “trải nghiệm văn học”, thường thì các nhà văn vẫn có hình mẫu độc giả trong đầu khi họ sáng tác, ngay cả khi hình mẫu đó chính là tác giả, hoặc họ viết mà không có sự quan tâm từ xã hội. Mặc dù mỗi người có một trải nghiệm riêng tư khi đọc sách, thì hầu hết mọi người đều nằm trong một hoặc vài loại độc giả trong 7 phác hoạ dưới đây.
“Tôi đọc, vì đây là cuốn ‘ai cũng đọc’”
Không phải nghĩ nhiều hay phải đánh cược quá nhiều với rủi ro mua một cuốn sách dở, cam kết lớn nhất là mua một cuốn sách ai cũng biết tên. Lựa chọn không thiếu, vì thể loại nào cũng có những cuốn sách như vậy, từ cuốn “Muôn kiếp nhân sinh”, “Nhà Giả Kim” chỉ dẫn cho lối sống đến “Bắt con chim nhại” nói lên những vấn nạn một thời. Những cuốn sách này giúp bạn không lạc thời, nếu số đông xung quanh bạn bàn luận về nó. “Bandwagon” – một hiệu ứng thú vị trong hoàn cảnh này ám chỉ xu hướng “lây lan” một hành vi, phong cách nhất định chỉ vì người khác đang làm như vậy.
Điều thú vị ngược lại xảy ra. Một quyển sách mà ai cũng đọc và bàn luận, một nhóm độc giả sẽ có suy nghĩ rằng, “chắc hẳn tôi đã đọc nó rồi” dù chưa cầm cuốn sách. Thậm chí, nhiều người có ý thức rằng “cuốn sách này ai cũng đọc, tôi chẳng có lý do gì để đọc nó” như một cách lựa chọn “ngược dòng” táo bạo.
“Bandwagon” – một hiệu ứng thú vị ám chỉ xu hướng “lây lan” một hành vi, phong cách nhất định vì số đông thích điều này.
“Sự đọc chỉ diễn ra trên giảng đường”
Ở mọi cấp độ học, ai cũng buộc phải đọc những cuốn sách nhất định. Cánh cửa cấp III khép lại, dù học lực bạn ở đâu, đam mê của bạn là gì thì đều nên theo học đại học, đó gần như là sự đảm bảo duy nhất, sống còn cho tương lai. Chuỗi học hành, bài vở kéo dài khiến nhiều người thấy “đủ”, không còn nhiều ham muốn với việc học và đọc sau này. Họ muốn cho não nghỉ ngơi, đôi khi làm điều gì khác họ cho là thực dụng hơn. Việc đọc vì thế chỉ nằm trong cuốn sách giáo khoa, đại cương dày là hết.
Khi bước ra thế giới phi học thuật với guồng cuộc sống bận rộn, hiếm người còn xem sách, hay coi việc đọc là thói quen. Việc đọc đòi hỏi sự kiên nhẫn. Khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy có 26% người Việt hoàn toàn không đọc sách. Dù nhiều người tin bản thân đã “tốt nghiệp” việc đọc ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, không ít người trở lại với việc đọc nhờ quỹ thời gian dư dả, hay một cuốn sách hay đã níu chân họ với văn học. Dịch Covid khiến mọi người sống chậm lại, không ít người ở nhà đã chọn thú vui là đọc sách, chia sẻ nhiều trải nghiệm đọc thú vị, truyền nhiều cảm hứng.
Nguồn: Ebookfriendly
“Trân trọng sách bằng nhiều quy tắc”
Nhiều người không coi sách là một “thứ vật chất”, mà chính là thứ tài sản gắn với tâm hồn, đi liền với thời gian cùng tình yêu thương không bao giờ sứt mẻ. Trân trọng sách, họ cũng đặt vào sách sự sở hữu chót vót. Họ giữ gìn sách và ít khi cho mượn sách, đi kèm với chuỗi luật lệ “bất tận”. Không gấp nếp, không gạch chân, không làm quăn góc,.. Cách sắp xếp sách của họ cũng mang tính cá nhân cao. Hoặc là theo tác giả sách, theo thể loại hay thẩm mỹ hơn, theo sự phối màu trên gáy sách. Một ít trong số họ sẽ đọc, một số khác mua sách như một thú sưu tầm, sự nâng niu tới mức không dám rút sách ra khỏi trật tự hoàn hảo họ xếp nên.
“Không bỏ sót”
Về việc đọc, hiếm khi họ bỏ lỡ một thông tin nào trong cuốn sách, từ trang bìa đi vào lời giới thiệu, từ nội dung đến người biên tập, từng chi tiết. Họ hiếu kỳ với từng nhân vật được nhắc tới trong sách, thậm chí trong lời giới thiệu, cảm ơn của tác giả. Họ mải mê với sự “liên văn bản”, tức là tra cứu cả những thông tin được tác giả nhắc tới trong từng đoạn văn. Điển hình, nếu họ cầm một cuốn sách nước ngoài, hoặc sách của tác giả Haruki Murakami, việc đọc cùng sự tra cứu chắc sẽ diễn ra trong cả tháng. Họ sẽ thỏa trí tò mò khi bắt gặp nhiều cái tên mới, những bài hát hay và những câu trích dẫn ý nghĩa.
Nguồn: Alessandra Lodrini
“Đọc trên thiết bị số”
“Việc đọc không nhất thiết chỉ diễn ra trên sách.” Hầu như ai cũng có thiết bị di động, hoặc đầu tư hơn là một chiếc Kindle gọn nhẹ, chứa nội dung bằng cả một nhà sách. Một dòng status ngắn, hài hước sẽ thu hút nhiều người xem và bình luận hơn. Riêng việc “đọc comment” đã chứa đầy đủ luận bàn, góc nhìn trái chiều, thật muôn màu muôn vẻ. Trên mạng, chẳng biết ai với ai nên mọi người tự do ngôn luận, không ngại ngùng trong ngôn từ. Ai cũng có thể là một “tác giả” trên mạng Internet.
Mặt khác, hiện nay có không ít người mê lướt thật dài để đọc những quan điểm, bài phê bình nghệ thuật hay thậm chí là bài viết khoa học nếu nó có giá trị, văn phong rõ ràng. Không có khoảng cách địa lý, một người ham mê khoa học ở Hà Nội có thể nói chuyện công khai với chuyên gia ở Sài Gòn, hay ở tận nước ngoài. Không có trải nghiệm liền mạch như trong sách, nhưng thông tin lại hấp dẫn, thực dụng và dễ tiếp cận, từ đó đến được với nhiều người hơn. Vấn đề lớn nhất từ trải nghiệm đọc này là sự sao lãng từ các thông báo trên điện thoại, sự hấp dẫn nhất thời từ ứng dụng giải trí. Vì thế, việc đọc thường không kéo dài lâu và ít khi để lại điều gì thực sự thấm thía cho người đọc.
Nguồn: Emily Quintero
Người đọc “hệ ngẫu hứng”
Thấy cuốn nào, đọc cuốn đó. Họ cũng ít khi có nhu cầu phân loại sách. Điều hay là không thể đoán trước sẽ được đọc gì, và nếu may mắn sẽ đọc được cuốn sách “đúng thời điểm” như sự ban tặng từ “đấng trên”. Tuy nhiên, tỷ lệ may mắn là khá ít. Để có xác suất đọc một cuốn hay, họ phải trải qua nhiều cuốn gây hoang mang, thử thách lòng kiến nhẫn để đọc hết tới mức tay chỉ vô thức lật trang. Mặt khác, thật khó khăn để tìm một cuốn sách trong thể loại muốn đọc khi không có sự sắp xếp hợp lý.
“Nhà phê bình” văn học
Họ thường cho rằng, cuốn sách có thể được viết tốt hơn. Gần như mọi cuốn sách đều có khiếm khuyết khó chiều lòng họ để lọt vào top “hay”. Nhiều người phê bình rằng văn của Italo Calvino quá rời rạc, khó hiểu; về văn học Việt Nam thì Thạch Lam quá thơ mộng, thiếu thực tế hay Nguyễn Huy Thiệp thì chẳng để ý ngôn từ,… Tuy nhiên, khi nhắc đến sự tồi tệ, hiếm người chỉ ra cặn kẽ các yếu tố sai lầm, hay hiểu biết về bố cục văn bản, phong cách ngôn ngữ,.. Ranh giới của sự vô lý và những đóng góp có giá trị là vấn đề tranh cãi chưa bao giờ nguội.
Nhà phê bình ẩm thực Anton Ego trong phim “Ratatouille”