Khỏe Đẹp Plus

CHỦ ĐỀ

THEO DÕI CHÚNG TÔI

Khỏe Đẹp Plus – Cả đời rong ruổi khắp nơi có dân tộc Mường sinh sống để tìm mua, sưu tầm những sản vật văn hóa của người Mường. Ông Nguyễn Văn Thực, ở xóm Chăm, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình vẫn miệt mài sưu tầm và truyền bá văn hóa của dân tộc mình.

Xuyên Việt “săn” cồng chiêng.

Từ khi lọt lòng mẹ, tiếng chiêng, tiếng sáo đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn đứa con Mường. Cậu bé Thực đã mê mẩn những tiếng nhạc quá đỗi quen thuộc. Cậu thường nghe các cô, các bà đánh chiêng, tiếng sáo véo von, hát đối đáp của đôi trai gái cũng làm cho Thực đỏ mặt, rồi bố Thực chêu: “Lớn lên mày cũng phải dùng tiếng sáo để tìm bạn tình đấy!”. Chẳng hiểu tiếng sáo gọi bạn tình là thế nào nhưng nghe cũng hay hay, thế là cậu học thổi sáo. Tiếng sáo đã theo chân cậu bé đi khắp các nương đồi xứ Mường, sau này lớn lên cũng đem sáo ra đi tìm bạn tình.

bao-tang-song-cua-van-hoa-muong
Ông Nguyễn Văn Thực đau đáu với văn hóa Mường

Học đánh chiêng còn khó hơn thổi sáo. “Tôi tập đánh chiêng từ năm 12 tuổi. Mới đầu chỉ đánh được chiêng tủm, thành thạo rồi các bà, các chị mới cho đánh chiêng khẩm, chiêng cái. Tiếng chiêng như chất gây nghiện, nếu một ngày không được nghe thấy tiếng chiêng là buồn chồn không yên, không thể leo nương được”.

Những năm 1990, cuộc sống khó khăn nên nhiều người không quan tâm đến các giá trị văn hóa dân tộc. Cũng bởi lo làm ăn, lo chống cái đói nghèo nên người ta không có thời gian để vui các ngày lễ hội của người Mường. Nhiều gia đình đã bán những chiếc chiêng cổ với giá cân đồng gỉ. Nét văn hóa cũng vì thế mà mai một, nhiều lễ hội cũng dần mất đi. Nhiều đêm thao thức, trăn trở, xót lòng với nền văn hóa dân tộc đang dần “chảy máu”. Ông quyết định đi kiếm tìm, sưu tầm lại nét văn hóa đang dần mai một này, mong phục hồi lại chúng.

Nghị quyết T.Ư 5 về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần sưu tập lại những nét văn hóa. Điều đó càng thôi thúc người con xứ Mường này thêm hăng hái, nhiệt huyết. Nhà nghèo, lại phải nuôi sống gia đình, sao có tiền để đi mua những sản vật văn hóa này?. Ông tìm cách, nuôi nhiều lợn gà, rồi bán lấy tiền mua chiêng. Nhiều lúc không đủ tiền lão còn đi vay mượn anh em, bạn bè để mua bằng được sản vật người ta bán. Rong ruổi khắp các vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động, “lang thang” các vùng miền có người Mường sinh sống như Thanh Hóa, Sơn La để tìm mua chiêng cổ. Năm 1997 ông đã mua được một chiếc cồng chiêng cổ, xoa núm chiêng tiếng vọng rất xa. Có lẽ ở Hòa Bình ít người có. “Dù có người trả giá trăm triệu tôi cũng không bán”.

Cuộc sống càng hiện đại, con người càng vội vã trong dòng mưu sinh, nhiều người đã không “mặn mà” với các lễ hội người Mường nữa. Không đành lòng nhìn nét văn hóa của cha ông bị mai một, ông Thực đã tìm cách vun đắp lại. Để tập hợp được 12 tay chiêng rất khó, ông vận động mãi, thuyết phục mãi cũng không đủ, đành vận động cả vợ và con gái tham gia mới đủ đội. Thế rồi ông lại “mò” về các bản làng tìm các bài ca cổ. Vùng nào có hát đối đáp của người Mường là ông tìm đến nghe, sưu tầm bằng được. Ông đã sưu tầm hàng chục băng đĩa nhạc dân tộc, có đủ các loại nhạc cụ như sáo, trống, nhị, và gần 20 chiếc chiêng. Nhiều loại nhạc cụ, cung, nỏ do chính bàn tay tài hoa của chàng trai Mường chưa được qua trường lớp nào chế tác nên.

“Hiện nay, có một lò chuyên chế tác cồng chiêng ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, nhưng chất lượng không được như ý lắm. Tôi đã bảo họ cần đúc vành chiêng cụp lại hơn nữa để tiếng chiêng vang xa hơn, họ cũng không nghe tôi. Nhưng chiếc chiêng đó xoa không thành tiếng. Nó chỉ mô phỏng hình ảnh của chiếc chiêng người Mường, nếu xét về độ thẩm âm thì không thể bằng được”. Ông Thực cho biết.

Lập “bảo tàng” giữa nhà

Lọt thỏm giữa lòng thành phố Hòa Bình, bên cạnh những ngôi nhà xây khang trang còn có một ngôi nhà sàn đậm nét văn hóa Mường. Ít ai biết được bên trong ấy còn có cả bảo tàng về văn hóa Mường. Từ các bộ cồng chiêng, sáo, nhị, đàn… và cả những vật dụng lao động như cung, nỏ con dao giắt lưng của các chàng trai xứ Mường.

Bản thân ông là một “bảo tàng” sống của nét văn hóa Mường, ông đã thuộc cả 3 bài cồng chiêng, tấu chiêng, những bài sáo, cách bắn cung sao cho trúng đích… Ông là một “pho sử” sống về nét văn hóa người Mường. Sự tích của các bài ca hiện nay còn chứa đựng cả lịch sử, văn hóa thời xưa: “Biến rậm, sông bờ”: Ngày xưa, chợ ở Hòa Bình người ta gọi là Chợ rậm. Hồi ấy có tàu thuyền từ Hà Nội lên bến Hòa Bình. Trong những con thuyền đấy có các vị quan đi thị sát dân chúng, biết vậy dân chúng lại hát bài “biến rậm sông bờ” để “đón khách”.

bao-tang-song-cua-van-hoa-muong

“Bảo tàng” lưu giữ những báu vật của văn hóa Mường

Không qua trường lớp đào tạo nào về du lịch, thế nhưng ông Thực lại trở thành một hướng dẫn viên rất thuần thục về văn hóa Mường bằng chính sự mộc mạc, từng trải của đứa con Mường: Con Dao thường dắt bên lưng các chàng trai Mường “Con dao đi theo các chàng lên núi, dùng để bảo vệ xóm làng, trong những ngày lễ hội”. “Cồng chiêng thường được đánh trong những dịp quan trọng. Trong đám ma, đánh 3 tiếng 1 khi đi trên đường,lúc hạ huyệt đánh 3 hồi 3 tiếng, hiệu lệnh đánh 1 hồi 3 tiếng…

Ông Thực vào đội văn công xã Thái Bình từ năm 17 tuổi. Những năm kháng chiến ác liệt, đội văn nghệ luôn cất cao tiếng hát thúc dục, cổ vũ tinh thần các chiến sĩ chiến đấu. Đội văn nghệ riêng do ông sáng lập gồm 16 thành viên, người từ trẻ khoảng 15 tuổi, đến trung niên khoảng 50 đến 60 tuổi , nhiều người là coi đây là một nơi để thư giãn, giải trí, để sống lại những cảm giác của đứa con Mường. Không gian luyện tập với mọi sinh hoạt hằng ngày đều được diễn ra ở ngôi nhà sàn của gia đình ông

Ông có thể quên ăn, quên ngủ để luyện một bài thường rang, một bài chiêng, có thể nghiên cứu, tìm đọc những quyển sách về lịch sử người Mường. “Lúc đầu, tôi cũng cản ngăn, nhưng lão mê quá, rồi sau này tôi cũng bị nhiễm”. Bà Đinh Thị Thiện, vợ ông tâm sự.

Người nghệ nhân đó đã đem tiếng chiêng, tiếng nhị đi biểu diễn ở khắp trong và ngoài tỉnh và giành được nhiều HCV. Đội được mời đến các vùng nổi tiếng như Vresort, Kim Bôi, khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội… Những chuyến đi biểu diễn này đã góp phần quảng bá văn hóa Mường đến nhiều người. Ông cho biết “có cả báo đài Trung Quốc cũng đã đến đây để quay phim ông”. Đây chính là sực mạnh là niềm tâm huyết để cho ông sẽ đi và đi nhiều nơi nữa.

“Nhiều người trẻ đã không biết thổi sáo, không có con dao dắt lưng nữa, không biết bắn cung, nỏ, không còn đam mê tiếng cồng chiêng, không muốn mặc bộ quần áo của dân tộc mình nữa rồi!”. Ông trăn trở nhiều lắm!

Ông thổi tiếng sáo tiễn chúng tôi. Như muốn nhắc nhở ai đó hãy giữ những nét đẹp văn hóa của chính dân tộc mình.

Một số hình ảnh về ông Nguyễn Văn Thực giới thiệu về những “báu vật” của dân tộc Mường
bao-tang-song-cua-van-hoa-muong
bao-tang-song-cua-van-hoa-muong
bao-tang-song-cua-van-hoa-muong

HÃY VOTE NẾU TIN HỮU ÍCH!
Share.

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG KHỎE ĐẸP PLUS

  • Địa chỉ ĐKKD: Số 351 Lương Thế Vinh, P. Trung Văn – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Giấy phép thiết lập MXH số 144/GP-BTTTT, ký ngày 11/04/2017
  • Điện thoại: 0967 050 222
  • Email: khoedepplus.vn@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Ngân
  • © Khỏe Đẹp Plus 2024 . All Rights Reserved.
  • Điều khoản dịch vụ
  • Chính sách Quyền riêng tư