Chuyện về người vòng quanh trái đất tầm tuấn mã

Đăng bởi: Thế Hoàng Thứ Hai, 10 Tháng Mười Hai 2018 2:43 chiều

Khỏe Đẹp Plus – Đàn tuấn mã gần 20 con với nhiều quốc tịch khác nhau thuộc sở hữu của anh Ngô Lê Thắng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, để có được những chú tuấn mã này, anh Thắng phải trực tiếp lặn lội đến nhiều quốc gia tìm kiếm rồi thuê máy bay chở ngựa về nước…

Vợ ghen với ngựa…

Sáng tinh mơ, chúng tôi rong chiếc xe len lỏi qua dòng người đông đặc của phố phường Hà Nội đến với trại ngựa độc nhất Hà Thành của người đàn ông ngoài 40 tuổi Ngô Lê Thắng. Rẽ vào con ngõ nhỏ A38 bên đường Hồ Tùng Mậu, anh bạn đồng nghiệp nom chừng vẫn sớm quá nên rề rà rẽvào quán trà đá cạnh đường, tay vê vê điếu thuốc hút một hơi thật sâu cho đã thèm. Gã bảo: “Lạnh se sắt thế này, mà còn sớm chắc đã ma nào đến, cứ làm cốc nước cái cho ấm bụng”. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi mới nhấc người để tiếp tục vào trại ngựa của anh Thắng. Mặc dù còn rất sớm nhưng đã có hàng chục khách nước ngoài đang hỉ hả tập cưỡi ngựa. Thì ra, những viễn khách này đến đây từ lâu, gần như tuần nào họ cũng đến với thói quen văn hóa mang đậm bản sắc của trời Âu, đó là cưỡi ngựa.

Chú ngựa đua Cabadin có thể chạy liên tục 100km mà không cần ăn uống.

Anh Thắng vòng quanh trái đất tìm ngựa quý

Nhìn quanh khu trại của anh Thắng, chúng tôi như hút hồn theo những chú ngựa cao như hươu cao cổ, cơ bắp cuồn cuộn đang cố với những cành lá cây cao tít. Đối lập với những chú ngựa to, cao đến từ nước Anh, Úc, Mỹ… là những chú ngựa Mông Cổ lùn tẹt, thấp bé đến lạ thường nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn và “hiếu chiến”. Anh Thắng giải thích, những chú ngựa Mông Cổ thuần chủng này được dân địa phương nuôi trên các thảo nguyên, cũng giống như ở Việt Nam, người Mông Cổ thường dùng ngựa làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, chúng được dân bản địa nuôi trên các thảo nguyên rộng lớn và thường không được huấn luyện kỹ càng.

Sau một hồi quần thảo bên những chú ngựa, anh Thắng mới hổn hển khoe về cái duyên đưa lân anh kết bạn với những chú ngựa. Theo đó, anh là cháu ngoại của cụ Tạ Duy Hiển, ông tổ của nghề xiếc Việt Nam, hồi còn nhỏ, một lần có đoàn nghệ thuật xiếc Ấn Độ đến biểu diễn, anh được đặc cách cho cưỡi lên lưng ngựa, không ngờ cái cảm giác lần đầu tiên ấy đeo bám anh đến tận bây giờ. Khi lớn lên, anh được gia đình cho theo học trường nghệ thuật xiếc, bộ môn xiếc thú. Đến đây, anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại thú, đặc biệt là ngựa.

Cuối năm 2009, anh dồn tiền mua được 3 chú ngựa từ Tp Hồ Chí Minh rồi đặt tên lần lượt cho ba chú là Hoa Khôi, Nữ Ngọc, Vạn Xuân và chăm bẵm chúng như người.

Cuối năm đó, ba chú ngựa bị bệnh trùng máu, anh mất ăn, mất ngủ cả tuần, thế rồi anh bỏ cửa nhà, vợ con xuống trại ngủ với ngựa. Ban ngày thì đi tìm lá thuốc cổ truyền chườm, bóp cho ngựa, tối thấy ngựa đói lại lấy thìa đút cám vào miệng cho chúng ăn. Nhắc đến đây ánh mắt anh chợt buồn rười rượi. Anh bảo: “Nhắc đến thêm buồn, cứ như thể bị người yêu “đá”, bởi trận ốm cuối năm 2009 đó, con Vạn Xuân mất”. Nói đến đây giọng anh im bặt, tay nâng ly trà đặc chát lên miệng mắt nhìn xa xăm, lát sau anh tiếp tục câu chuyện về chú ngựa Vạn Xuân. “Con này hiền lắm, mỗi khi tôi đút cám cho nó ăn, thấy ánh mắt nó nhìn tôi âu yếm rồi ngân ngấn nước, lâm bệnh được vài ngày thì nó yếu đi trông thấy, mấy hôm đầu tôi đỡ nó đứng dậy, nó nghe lời vậy nhưng bước đi lảo đảo rồi ngã khuỵu trong khi con Nữ Ngọc, Hoa Khôi thì dần hồi phục, ăn được vài thìa cám. Vài ngày sau thì con Vạn Xuân mất. Lần ở chuồng ngựa về, bỗng thấy vợ giận, bà ấy bảo, đã bao giờ anh đấm bóp cho em được như con ngựa chưa? Vợ ốm cũng chưa đút miếng nào vào miệng như với con ngựa yêu quí. Bà ấy còn dỗi bảo “anh ra mà ở với mấy con ngựa”.

Xuyên biên giới tầm tuấn mã

Gần 20 chú tuấn mã của anh Ngô Lê Thắng mang nhiều quốc tịch khác nhau, từ Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ… Để có được những chú tuấn mã này, đầu tiên anh phải lặn lội lên các diễn đàn về ngựa ở cả trong và ngoài nước, nếu thấy ưng chú ngựa nào thì sẽ thống nhất về giá cả, sau đó anh ra nước ngoài gặp mặt ngựa.

Anh Thắng dí dỏm bảo: “Gặp mặt chú ngựa nào đó cũng giống như là việc gặp gỡ, kết duyên với một cô gái trẻ, mình thấy ưng bụng rồi, nhưng còn phải nghĩ cách để chinh phục chú ngựa, bởi nếu mà không thích chủ thì chúng thường kháng cự, hoặc làm việc rất miễn cưỡng. Cách cơ bản để gặp gỡ một chú ngựa là khi gặp, phải đi theo hướng chính diện, đối mặt với ngựa, rồi cầm cương vuốt ve lên má, lên bờm chúng, như thế chúng sẽ thích hơn. Nếu đi từ phía sau sẽ dễ bị chúng đá…”

Năm 2013, sau khi tìm hiểu thông tin về chú ngựa Cabadin, anh bay đến nước Anh để gặp mặt “bạn”. Khi gặp, chú ngựa tỏ ra rất thích thú với ông chủ mới, chú liếm tay, ngửi mặt ông chủ và nghe lời chủ răm rắp…

chuyen-ve-nguoi-vong-quanh-trai-dat-tam-tuan-ma

Chú ngựa đua Cabadin có thể chạy liên tục 100km mà không cần ăn uống.

Trước đó, anh Thắng đã lang thang đến Mỹ, Úc, Lào săn tìm những chú ngựa tốt, hợp với chủ về để huấn luyện bất chấp chi phí cho mỗi chuyến đi xa rất tốn kém. Anh tự hào: “Được cái vợ tôi cũng yêu quí ngựa nên giúp đỡ tôi xuyên biên giới tầm tuấn mã rất nhiệt tình, khi khách nước ngoài đến bà ấy làm luôn nhiệm vụ phiên dịch, hướng dẫn viên, thành thử khách tìm đến mỗi ngày một đông”.

Mỗi lần xuyên biên giới tầm tuấn mã với anh Thắng đều là một kỷ niệm đáng nhớ, anh cho biết: “Hồi hộp nhất là cảm giác lần đầu gặp chú ngựa mình yêu thích. Có lần bị ngựa “từ chối tình cảm”, có lần được đền đáp xứng đáng, ngựa tỏ ra yêu quí mình, nhưng dù là thế nào đi nữa thì nó vẫn mang lại nhiều cảm xúc, vui, buồn, hụt hẫng… cứ như thể chú ngựa là tình nhân vậy”.

Theo anh Thắng thì để đem được một chú ngựa từ nước ngoài về phải trải qua cả trăm thủ tục, giấy tờ ở cả trong và ngoài nước nên rất mất thời gian. Anh Thắng từ chối tiết lộ chi phí chi phí chuyến bay và giá trị của mỗi chú ngựa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì chi phí cho mỗi chuyến bay và đàn ngựa của anh Thắng lên đến nhiều tỉ đồng…

Anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm tầm tuấn mã: “Trên mỗi con ngựa đều có 2 hình xăm ở vai trước, một hình xăm in logo của trang trại, nơi chú ngựa ra đời, một hình xăm ghi mã số của chú ngựa (ví sụ mã số H1224…). Nếu tìm trên mạng mã số in trên người mỗi chú ngựa thì sẽ hiện ra nguồn gốc ngựa bố, mẹ từ đâu, đã đạt thành tích thi đấu thế nào, bản thân chú ngựa mang mã số sinh năm bao nhiêu, trang trại nào, quá trình di chuyển qua bao nhiêu trang trại, bao nhiêu chủ và thành tích ở mỗi giải đua ngựa… từ mạng internet chúng ta sẽ có mọi thông tin về chú ngựa”.

Theo anh Ngô Lê Thắng thì một chú ngựa đua Cabadin hay ngựa Poni nặng tới gần 1 tấn, chiều cao đạt 1,75m (tính từ chân đến vai) nếu tính lên đến đầu thì phải cao trên 2m. Loại ngựa đua này có thể chạy liền một mạch 100km mà không cần ăn uống”.

Bí kíp xem tướng ngựa

Dẫn chúng tôi đến bên chú ngựa đua Cabadin cao lớn, anh Thắng tiết lộ về những bí kíp tầm tuấn mã, mặc dù anh không hề mê tín tin vào chuyện tướng số. Anh đứng phía trước chú tuấn mã danh giá rồi bảo: “Đối với người Việt Nam thì khi tầm tuấn mã phải đứng từ phía trước của nó nhìn xoáy. Nếu từ phía trước mà nhìn thấy hết các xoáy ở trên người thì đó là ngựa tốt, nếu ở phía sau nhìn lên mà thấy xoáy thì không tốt. Khi xem xoáy người việt thường kỵ xoáy xuyên tim (xoáy nằm dưới ức, ở vị trí tim ngựa) vì ngược mang xoáy này thường đột tử khi lao động cường độ cao. Xoáy xuyên tông (hai xoáy ở cổ nằm đối diện nhau), theo kinh nghiệm dân gian thì ngựa mang xoáy này thường hay phá ách khi phải kéo xe… Ngoài ra, người Việt cũng hay kỵ mua loại ngựa hay lắc lư cái đầu khi bị nhốt, vì dân gian cho rằng loại ngựa này có xu hướng phá chuồng.

Tuy nhiên, ở Anh, Úc, Mỹ… họ không tìm tuấn mã theo cách như vậy, họ thường thích ngựa có khoang trắng ở chân, vì cho rằng đó là loại ngựa phi thường, có thể phi nước đại ngàn dặm một ngày. Khi chọn ngựa, họ thường chọn những con to, cao, cơ bắp cuồn cuộn, cân đối, vì đây là tiêu chí về sức mạnh mà một con ngựa đua cần phải có. Về thể chất, ngựa phải được chăm sóc chu đáo, phải tiêm chủng thường xuyên, được huấn luyện thành thục.

Đôi với người Việt chúng ta, loại ngựa lắc đầu thường không được ưu tiên chọn mua nhưng ở các quốc gia có truyền thống về ngựa họ không quan trọng điều này. Thậm chí họ còn nghiên cứu về tâm lý của những chú ngựa và thấy rằng, những chú ngựa lắc đầu thường có xu hướng phá chuồng là do chúng bị nhốt trong môi trường chật hẹp, hoặc do chúng nhớ đàn, như loài chim nhớ giờ về tổ ấm… Biện pháp khắc phục của họ là thả ngựa ra môi trường thoải mái, rộng rãi sẽ khiến chúng vui vẻ hơn, khi quen với môi trường mới chúng sẽ không còn lắc đầu phá chuồng nữa.

tin mới
Xem thêm