Tiêu điểm

“Giải cứu” năng lượng cho những ngày down-mood

Ai cũng có những ngày như vậy, khi cơ thể bạn từ chối nhịp sinh hoạt thường nhật, não bộ bạn từ chối tiếp nhận và xử lý thông tin, cảm giác mệt mỏi uể oải theo bạn cả ngày.

(Olga Semklo)

Cảm giác mệt mỏi kéo dài không phải lúc nào cũng đến từ số lượng thời gian bạn dành cho giấc ngủ, và vì thế giải pháp cứu vãn năng lượng không phải lúc nào cũng nằm ở việc ngủ nhiều hơn. Năng lượng là thứ ai cũng cần: để thức dậy mỗi sáng và làm những việc bạn phải làm. Không có năng lượng, ai cũng có thể tưởng tượng được một ngày sẽ diễn ra thế nào: bạn trở nên thiếu tập trung, làm việc không hiệu quả, nhu cầu giao tiếp xã hội xuống thấp đến mức một cuộc điện thoại hay nhắn tin cũng trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Nếu thức dậy trong trạng thái thiếu năng lượng, đây là kế hoạch “giải cứu” bạn cần.

(Ekaterina Kostycheva)

Hoạt động thể chất

Dù cơ thể ngang ngược không muốn vận động, thực tế hoạt động thể chất khi cơ thể bạn ở trạng thái nặng nề, mệt mỏi là một trong những cách có tác dụng tích cực thậm chí ngay tức thì đến nguồn năng lượng của bạn. Nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi Đại học Georgia (Mỹ) chỉ ra rằng chỉ 10 phút tập luyện những bài tập nhẹ nhàng giúp làm tăng năng lượng ngay tức khắc.

(Ekaterina Kostycheva)

Một nghiên cứu khác chỉ ra với những người tập luyện thể chất 20 phút mỗi lần, 3 lần một tuần, mức năng lượng của họ tăng 20% chỉ trong 6 tuần theo chế độ luyện tập. “Khi chúng ta không hoạt động thường xuyên, những múi cơ sẽ yếu dần nên khi làm các hoạt động thường ngày, cơ thể dễ mệt mỏi hơn”, theo Tiến sĩ Yufang Lin từ Trung tâm Y tế Cleveland. Hãy tìm ra một (hay nhiều) hoạt động thể chất phù hợp với bản thân và môi trường xung quanh như đi bộ đường dài, nhảy dây, leo núi, bơi lội hay đạp xe, tập yoga, và lên lịch tập luyện 20 phút mỗi ngày, hoặc 3 ngày 1 tuần và để ý đến sự thay đổi của mức năng lượng của bạn.

15 phút nghỉ, 90 phút hoạt động

Như một câu thần chú, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của những khoảng nghỉ xen kẽ khoảng thời gian hoạt động của bạn. Để có nguồn năng lượng duy trì đều đặn cả ngày, bạn cần 15-20 phút nghỉ với mỗi 90 phút hoạt động. Khoảng nghỉ này có thể dành cho việc hoạt động thể chất, hay não bộ (chơi trò chơi trí não), tâm lý (gọi điện cho ai đó) hay tinh thần (đi bộ trong công viên hay thiền).

Nếu phải làm việc hàng ngày với máy tính, khoảng nghỉ này là cơ hội để bạn tránh càng xa khỏi màn hình máy tính càng tốt. Hãy tưởng tượng cơ thể và trí não như một cỗ máy, bạn cần sạc, nạp năng lượng, thậm chí rút nguồn để làm nguội chúng trước khi nhấn nút khởi động.

Kiểm tra lượng vitamin bạn nạp vào cơ thể mỗi ngày

Hiện tượng mệt mỏi thường liên quan đến việc bạn không có đủ nguồn dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là sắt và vitamin B12. Khi không có đủ sắt, cơ thể không thể sản sinh đủ tế bào máu dẫn đến thiếu ô xy kích hoạt năng lượng. Tương tự với B12. Hai loại chất này thường được tìm thấy ở thịt đỏ và cá nên những người ăn chay hay thực dưỡng thường dễ mất sắt và B12 hơn, tuy nhiên bạn có thể bổ sung bằng viên uống vitamin thay thế cho thịt cá.

(Svetlana Malysheva)

Đừng vội đổ lỗi cho sức khỏe tinh thần

Dù sức khỏe tinh thần thường là nguyên nhân dẫn đến cơ chế mệt mỏi kinh niên, nhưng nguyên nhân khiến sức khỏe tinh thần sụt giảm cũng muôn hình vạn trạng, và thường chủ yếu do môi trường tác động. Đây là lúc bạn cần tìm đến lời khuyên của chuyên gia, trò chuyện với bác sĩ tâm lý, hay tìm ra những giải pháp tâm lý trị liệu như nghệ thuật, tìm ra sở thích mới, học những kĩ năng mới….

(Ekaterina Kostycheva)

Những điều nhỏ bé bạn có thể làm ngay lúc này:

Uống trà bạc hà: Theo một nghiên cứu trên tạp chí North American Journal of Psychology, mùi bạc hà giúp giảm tình trạng mệt mỏi, đồng thời việc uống trà bạc hà thúc đẩy quá trình hoàn thành đầu việc nhanh hơn.
Ánh sáng mặt trời: Tiếp cận ánh sáng mặt trời, đặc biệt khi mới ngủ dậy có thể ức chế melatonin, chất hóa học trong cơ thể khiến bạn buồn ngủ.
Thở sâu: Khi căng thẳng, bạn sẽ thấy khó thở, hoặc hơi thở nặng nề hơn. Hiện tượng này làm giảm lượng oxy đến tế bào máu. Cách bạn có thê làm là hít thở đều trong vào giây, lặp lại nhiều lần như vậy.
Hát to một bài hát: Âm nhạc có thể làm tăng chất hóa học khiến bạn cảm thấy phấn chấn hơn như serotonin hay oxytocin – và việc hát theo khiến nhịp thở của bạn đều hơn, giúp làm tăng lượng oxy đi vào cơ thể.

(Olga Semklo)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *