Tiêu điểm

Vì sao hoa hồi Lạng Sơn được coi là báu vật của xứ Lạng?

Khỏe Đẹp Plus – Hoa hồi Lạng Sơn được người dân coi là sản vật quý của xứ Lạng, được công nhận là chỉ dẫn địa lý của tỉnh, niềm tự hào khi nó khẳng định được chỗ đứng trên thương trường.

“Báu vật” của người dân xứ Lạng

Đối với người con xứ Lạng, hương hồi đã trở thành ký ức ngọt ngào của tuổi thơ. Từ trong giấc ngủ cho đến những buổi chăn trâu cắt cỏ, đâu cũng thoang thoảng hương thơm ấy. Thậm chí, trên những con đường đến lớp, cuốn vở cũng đượm mùi thân thương ấy.


Những cánh rừng hoa hồi Lạng Sơn đã trở thành nơi xe duyên, ký ức tình yêu của biết bao người con xứ Lạng. Để từ đó trở thành khúc hát dân ca da diết:

“Trong rừng hồi ngồi bên nhau sau giờ đôi ta trực chiến
Cái gió đưa hương, cái nắng cũng đưa hương
Hương thơm của rừng hồi
Đôi mắt làm cầu nói lời thương nhau xanh xanh màu chung thủy
Ôi đóa hoa hồi đang nói câu gì mà đung đưa đung đưa
Lạng Sơn Lạng Sơn ơi”

Người dân địa phương coi hoa hồi Lạng Sơn là báu vật, không chỉ gắn với kỷ niệm của mỗi người mà còn gắn liền với sự phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, trở thành chỉ dẫn địa lý, niềm tự hào đối với bạn bè quốc tế của mỗi người dân xứ Lạng.

Đi dọc tỉnh Lạng Sơn vào độ tháng 4 và tháng 8 âm lịch, đặc biệt ở 3 huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, chúng ta sẽ không khỏi kìm lòng mình trước những cánh rừng hồi bạt ngàn bao bọc xóm làng và hương hoa hồi thơm nức mũi, quyến rũ đến lạ kỳ.

Cây hồi thuộc họ thân cây gỗ, có chiều cao từ 10-20m. Lá mọc so le nhau và quả hồi mọc ở bên trong lá. Quả hồi lúc non có màu xanh nhạt, khi chín có màu nâu sẫm có từ 5-8 cánh như những bông hoa nên người ta thường gọi quả hồi là hoa hồi. Hoa hồi Lạng Sơn nổi tiếng bởi chất lượng quả hồi đồng đều và cho hàm lượng transanethol đạt 93-98%.

Cây hoa hồi Lạng Sơn

Hoa hồi Lạng Sơn cũng như các loại hoa hồi khác bắt đầu cho thu hoạch khi cây hồi được trồng sau 5 năm nhưng từ 20-30 năm sau sẽ cho năng suất và chất lượng cao hơn. Cây hồi được xem là loại cây “cha truyền con nối” bởi tuổi thọ và tuổi sính sản của nó kéo dài, có thể đời ông trồng cây cho thu hoạch đến cả đời con, đời cháu.

Cây hồi sinh trưởng trong môi trường khí hậu lạnh. Vì thế, vùng núi Lạng Sơn với đặc điểm đất đai có độ phì rất cao, khả năng thoát nước tốt, khí hậu quanh năm mát mẻ là những điều kiện vô cùng thuận lợi khiến cây hồi sinh trưởng và trở thành đặc sản đặc trưng, là “ dấu ấn” của xứ Lạng.

Hoa hồi Lạng Sơn được phơi dọc các con đường quốc lộ dẫn vào huyện Văn Quan

Tác dụng của hoa hồi được công nhận

Theo khoa học, trong hoa hồi có rất nhiều tinh dầu. Trong đó có rất nhiều chất hỗ trợ chữa bệnh. Tinh dầu hồi đông đặc ở 13 – 140C nhưng khi thời tiết ấm nó sẽ tự tan chảy. Tinh dầu hoa hồi càng để lâu thì mùi càng thơm và tác dụng chữa bệnh càng tốt.

Theo cuốn “Những Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Cố giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi, hồi là một vị thuốc được dùng trong cả đông y và tây y.

Cụ thể, đông y dùng hồi làm thuốc trung tiên, giúp tiêu hoá, lợi sữa, tác dụng trên hệ thần kinh và cơ (dịu đau, dịu co bóp) được dùng trong đau dạ dày, đau ruột và trong những trường hợp dạ dày và ruột co bóp quá mạnh.

Hoa hồi còn được dùng làm gia vị, chế húng lìu nấu thịt bò, các thịt khác. Món Khau Nhục của Lạng Sơn thơm ngậy đặc trưng cũng vì có hương vị hoa hồi.
Hoa hồi được coi là “linh hồn của nước phở”. Tất cả các món phở sẽ mất đi vị cuốn hút nếu thiếu gia vị hoa hồi.
Hoa hồi còn là 1 trong 5 thành phần của “ngũ vị hương” – thứ gia vị đã quá quen thuộc với người tiêu dùng.

Ngoài ra còn được dùng làm rượu khai vị.

Làm thơm thuốc đánh răng.

Bông hoa hồi Lạng Sơn thơm nức mũi

Theo tài liệu cổ đại hồi có vị cay, tính ôn, vào 4 kinh can, thận tỳ và vị. Có tác dụng đuổi hàn, kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc của thịt cá. Những ngươi âm hư, hoả vượng không dùng được. Thường dùng làm thuốc giúp sự tiêu hoá ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4 đến 8g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp.

Theo kinh nghiệm dân gian, hoa hồi có tính cay, ấm, hương thơm có tác dụng trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, sát trùng; Kích thích, tăng nhu động ruột, chữa đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp, giúp tiêu hóa, giảm đau, nôn mửa, khử đờm; Ướp thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm… có tác dụng kháng khuẩn, ở nồng độ thấp ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao; Trị ho, cảm lạnh, cảm cúm, đau bụng hoặc các bệnh tiêu hóa, lên cơn hen xuyễn ngột thở; Ngừa ung thư; Giúp ngủ ngon; Đau nhức xương khớp; Chữa khó tiêu; Diệt khuẩn trong không khí mạnh; Tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn đường ruột; Làm giảm độ co thắt cơ trơn; Chống viêm nhiễm;  Mang lại cảm giác thư thái, tĩnh tâm.

Hiện nay, người ta đã biết dùng hương hồi để sản xuất nước hoa, bánh kẹo. Mới đây nhất, khoa học hiện đại đã tìm ra cách chiết xuất axit shikimic từ tinh dầu hồi để điều chế ra vắc – xin chữa bệnh H5N1.

Đặc biệt, hoa hồi Lạng Sơn còn rất hữu dụng trong cuộc sống thường ngày. Xông tinh dầu hồi còn giúp cho căn phòng của bạn trở nên thơm tho, xua đuổi những vi khuẩn có hại, những loại côn trùng như muỗi, gián.. và khi bạn hít hà hương thơm đó vào trong lá phổi của mình sẽ giúp cơ thể bạn ấm áp và tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.

Cũng với một lọ tinh dầu hoa hồi Lạng Sơn nhỏ xinh, chị em còn có thể sở hữu một làn da láng mịn, căng mọng và khỏe mạnh khi thường xuyên xông mặt bằng tinh dầu hồi. Bởi hơi nóng của tinh dầu sẽ giúp lỗ chân lông giãn nở tối đa để bạn dễ dàng lấy đi bụi bẩn ẩn sâu dưới da. Sau đó chỉ cần thoa một chút nước hoa hồng để làm se khít các lỗ chân lông lại là bạn đã hoàn tất các bước làm đẹp cho khuôn mặt của mình.

Ngoài ra, hoa hồi Lạng Sơn còn biết đến là một gia vị không thể thiếu trong các món cà ri, hấp, bánh, nước dùng của phở…

Thú vị hơn đó còn là một trong những nguyên liệu hấp dẫn để “bẫy” những chú cá khi bạn cho một lượng vừa đủ tinh dầu hồi vào mồi câu cá.

Cánh hoa hồi tuy nhỏ xinh nhưng có lẽ vì sinh trưởng ở vùng núi cao rét buốt của tỉnh Lạng Sơn nên nó thu hết vào mình những dinh dưỡng quý giá nhất của đất trời để chống chọi lại với giá rét, mưa tuyết. Thế nên hoa hồi Lạng Sơn là một đặc sản có giá trị cao trong ẩm thực, y học, thẩm mĩ và giải trí.

Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam

Chính những tác dụng vô giá đó mà cây hoa hồi Lạng Sơn đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận lọt vào Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt nam. Qua đó đủ để thấy giá trị sản vật dân tộc xứ Lạng này.

Chú trọng phát triển cây hoa hồi 

Thời kỳ Pháp thuộc, cây hồi đã được nhân rộng tại tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1979, chiến tranh tàn phá, các nhà máy hoa hồi cũng bị tàn phá. Thị trường hoa hồi bắt đầu suy thoái. Cây hồi bị bỏ bẵng theo thời gian.

Năm 1990, khi Trung Quốc thi mua tinh dầu hồi thì người dân mới trú trọng vào việc trồng và chiết xuất tinh dầu. Thời hoàng kim, dân đi  buôn hồi giàu ngang buôn thuốc phiện. Nhiều người ví von rằng, có lực lượng trộm hồi manh động hơn cả thằng nghiện đi trộm. Nói thế đủ biết sản phẩm này “sốt” đến mức nào.

Thời gian sau, giá cả không hề ổn định. Tình hình sản xuất cũng lúc lên lúc xuống. Nhiều năm sau, giá hoa hồi cũng gặp nhiều bấp bênh, có thời kỳ giá xuống còn 7.000/kg hồi tươi. Do thiếu sân phơi, thiếu điều kiện bảo quản nên nhiều người dân đã vặt cả lá, đào cả rễ làm tinh dầu, gây suy giảm chất lượng, mất uy tín.

Những năm 2000, thương lái Trung Quốc không mặn mà với tinh dầu hồi, trong khi đó, thị trường châu Âu lại siết chặt nên tình hình sản xuất tinh dầu hồi Lạng Sơn lại tiếp tục lao đao. Người dân bỏ hoang các nồi nấu tinh dầu, đầu ra sản phẩm không có. Chi phí nhân công, chi phí sản xuất tăng cao đã dồn ngành sản xuất tinh dầu hồi tại Lạng Sơn đi vào bế tắc.

Thời gian gần đây, các cấp ngành Lạng Sơn có chú trọng vực dậy cây hồi xứ Lạng. Theo đó, biện pháp liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người sản xuất được coi là chiến lược.

Phía chính quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và đăng ký bảo hộ tên gọi và xuất xứ của sản phẩm hoa hồi. Năm 2007, cây hồi đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố quyết định đăng bạ tên gọi xuất khẩu hàng hóa, địa lý chỉ dẫn cho sản phẩm hoa hồi. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất tinh dầu hoa hồi xứ Lạng. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sản xuất, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh các sản phẩm hoa hồi.

Các doanh nghiệp đã có chính sách bao tiêu sản phẩm từ A đến Z, mạnh dạn đầu tư hệ thống sấy, chưng cất và đóng lọ và xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã năng động hơn trong việc áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, tìm đầu mối tiêu thụ.

Phía người dân, tiếp tục trồng hồi và bảo vệ cây hồi. Đảm bảo các kỹ thuật reo trồng, thu hoạch và bảo quản chất lượng. Người dân không vì cái lợi trước mắt mà làm mất thương hiệu lớn.

Các nhà khoa học đã tiến hành hướng dẫn bà con cách canh tác, điều chế sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể nói, sự liên kết giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người sản xuất đã giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm từ cây hồi và thương hiệu Hoa hồi Lạng Sơn lên tầm cao mới.

Xuất khẩu hoa hồi Lạng Sơn

Sở dĩ hoa hồi Lạng Sơn được các cấp ủy, ban ngành của địa phương đặc biệt quan tâm các chiến lược phát triển để mang đặc sản này tới đông đảo người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế bởi những giá trị vô cùng quý giá của nó.

Tiếng lành đồn xa, thương hiệu hoa hồi Lạng Sơn không chỉ lan tỏa trong nước mà bạn bè thế giới cũng biết đến. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm hơn đến báu vật của xứ Lạng.

Hiện, một số nhà nhập khẩu hoa hồi Lạng Sơn chủ yếu là Ấn Độ, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Đức, Hà Lan, và Xin-ga-po. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường tiềm năng cho hồi Việt Nam nếu các nhà quản lý bảo đảm được sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.

Một số thị trường cao cấp mà doanh nghiệp Việt Nam hiện đang cung cấp là Mỹ, Hà Lan, Đức, Anh và Bỉ. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng vẫn là rào cản lớn nhất tại các thị trường này.

Thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu hoa hồi Lạng Sơn nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc chủ yếu là xuất thô, giá cả bấp bênh nên đầu ra không ổn định.

Những năm gần đây, sản phẩm hoa hồi xứ Lạng đã được thị trường Ấn Độ, các nước Tây Âu cực kỳ quan tâm. Các đối tác nước ngoài cũng thường xuyên đến nghiên cứu, tìm hiểu và đặt hàng.

Tinh dầu Hồi của nước ta được Mỹ xếp loại tiêu chuẩn riêng có ký hiệu: “GRAS 2096”. Sản phẩm chất lượng lần đầu tiên có mặt tại thị trường nội địa của Mỹ.
Đối với người dân xứ Lạng thì đây được coi như một niềm tự hào lớn lao. Họ hân hoan với niềm vui “hoa hồi của người Tày – Nùng Lạng Sơn đã bán được cho Tây rồi đấy !”.

Xin mượn lời của nhà văn Tô Hoài thay lời tạm kết. Tô Hoài có viết, Hương hồi xứ Lạng giờ đây không chỉ lan tỏa khắp đất Lạng Sơn vào mùa hồi chín nữa mà đã lan tỏa đi nhiều nơi trên đất nước và đang từng ngày đưa hương lan xa đến vùng đất xa xôi, vượt ra ngoài biên giới để đến với châu Á, châu Âu, châu Mỹ… làm ấm lòng người bốn phương.

Khi ấy Hồi không chỉ là đặc sản của xứ Lạng mà còn hương thơm và hồn của dân tộc. Quả hồi chín xòe như cánh hoa đang dâng cho đời những công dụng tuyệt vời. 

“Có loài cây nào mà hoa hai lần nở không. Bông hoa hồi nhỏ xinh, hồng hồng, kết trái rồi mà vẫn nở thêm lần nữa, bông to hơn, thơm hơn, mang tinh túy từ đất, nước, gió, sương mà dâng cho người, cho đời để trở thành món quà vô giá của thiên nhiên”.

Hướng dẫn đặt mua sản phẩm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *