Tiêu điểm

Là phụ nữ, hãy trân quý thời gian của riêng mình

Chúng ta vẫn luôn tìm cách để “ăn gian” thời gian bằng cách cố gắng làm được nhiều việc trong thời gian ngắn nhất hay theo đuổi những mẹo làm việc đa nhiệm. Đối với phụ nữ nói chung, nỗi sợ thời gian này thậm chí còn lớn hơn khi phải đứng trước những ngã rẽ lớn của cuộc đời. Việc biết được những gì đang chờ đợi sẽ giúp các cú chuyển mình nhẹ nhàng và bình an hơn rất nhiều.

Ảnh: nytimes

Tại các nước phát triển, lứa tuổi sau 30, đặc biệt từ 30 đến 45 tuổi là giai đoạn nhiều thử thách đồng thời cũng đem lại những phần thưởng lớn nhất. Điều này cũng không quá khác biệt với những người sinh sống tại các đô thị lớn ở Việt Nam.

Bước sang tuổi 30 là thời điểm bạn cần thoả hiệp với nhiều thử thách đến cùng một lúc – gắn gó và phát triển sự nghiệp, duy trì một mối quan hệ thân mật (đối tác, vợ/chồng) và trở thành người chăm sóc chính cho một (hoặc một vài) đứa trẻ. Nếu bạn là một người phụ nữ, những thử thách này càng trở nên đặc biệt hơn.

Những ngã rẽ tuổi 30 của phụ nữ trưởng thành

Cuộc sống hiện đại sinh ra nhiều lựa chọn sống khác nhau khiến những quan điểm truyền thống không còn đúng nữa. Người phụ nữ hiện đại cũng trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn khi theo đuổi những ngã rẽ cuộc đời cho mình.

Lựa chọn phát triển sự nghiệp và đặt công việc lên hàng đầu. Bạn có thể là một người có gia đình hoặc độc thân, trở thành một “chị đại” mạnh mẽ cá tính và đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong sự nghiệp. Bạn lựa chọn phát triển sự nghiệp lên hàng đầu đồng nghĩa với việc phải hy sinh thời gian dành cho gia đình và con cái, khi này thời gian của bạn buộc sẽ phải chia đôi.

Một số người sẽ lựa chọn tình yêu/hôn nhân nhưng không con cái. Xu hướng DINK (Dual Income No Kids – Thu nhập nhân đôi, không con cái) lan rộng từ phương tây do chi phí nuôi con tới tuổi trưởng thành quá lớn, các cặp đôi mong muốn gia tăng tài chính và không ràng buộc về mặt con cái. Trong thực tế xu hướng này cũng xuất hiện ở một số nước phát triển tại Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Những mặt trái của lựa chọn này có thể rất lâu sau mới có thể nhìn thấy rõ, khi phụ nữ đã qua tuổi sinh nở và đột nhiên muốn có con hoặc cảm thấy cô đơn khi về già không có con cái bên cạnh.

Sống độc thân vui vẻ không hôn nhân, không con cái. Có rất nhiều lí do để bạn vẫn tiếp tục sống độc thân dù liên tục bị phụ huynh “nhắc nhở” về hạn chót tuổi 30. Bạn vẫn cảm thấy mình sống tốt, sống hạnh phúc, yêu cuộc sống và thế là đủ không cần xuất hiện thêm người thứ hai (hay thứ 3) trong cuộc đời mình. Ngược lại bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để phát triển bản thân và làm những việc mà mình yêu thích.

Trở thành một người mẹ và chăm sóc con cái là lựa chọn ở số đông những ở những người phụ nữ tuổi 30. Trong khi sự chuyển giao sang giai đoạn làm mẹ có thể đem lại cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn lao và căng thẳng có thể khiến bạn kiệt sức, quá tải hay tách biệt với xã hội. Thời gian dành cho con cái quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống riêng tư và sự nghiệp của bạn.

Ảnh: apple.com

Sự khắc nghiệt của thời gian

Dù bạn lựa chọn ngã rẽ nào, điều đó hoàn toàn ổn. Bạn đừng nhìn sang “giếng” nhà hàng xóm để rồi cảm thấy hoang mang về sự lựa chọn của mình, và cũng đừng vì “hạn chót” tuổi 30 mà ra quyết định quá vội vàng.

Thực tế chúng ta vẫn luôn có một nỗi lo âu nhất định với thời gian và các “hạn chót”. Những nỗi lo âu về thời gian trôi đi (time anxiety) và FOMO là có thật. Thời gian trôi qua khiến chúng ta nuối tiếc tuổi thanh xuân, vẻ đẹp rạng rỡ, cơ thể tràn đầy sức sống và những đam mê nhiệt huyết tuổi trẻ khi từng sống rực rỡ như những đoá hoa.

Khi chiếc đồng hồ nhắc nhở rằng bạn sắp bước vào tuổi 30, bạn rất có thể sẽ rời vào hoảng loạn và mất phương hướng ngắn hạn. Bạn bắt đầu cảm nhận thấy rõ rệt những thay đổi cả về cơ thể lẫn tâm lý. Cơ thể không còn như bạn mong muốn, bạn cũng không còn đủ sức lực để thức thâu đêm đi nhậu cùng lũ bạn, bạn cũng dần cảm thấy nỗi cô đơn ngày càng lớn bên trong mình.

Có thể bạn đã nghe nhiều rồi, “các cụ” vẫn nói rằng sau 30 tuổi bạn không còn trẻ trung như bạn tưởng. Các nghiên cứu y khoa tại những nước phát triển cũng đồng ý với “các cụ” của chúng ta về điều này, khả năng sinh sản của bạn sẽ giảm dần sau tuổi 30, đặc biệt giảm sâu hơn sau tuổi 35. Chính vì vậy bạn sẽ phải ra quyết định có trở thành mẹ hay không trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Trong khi đàn ông rất ít khi gặp phải kiểu áp lực này.

Về mặt tâm lý học, Daniel Levinson đã đưa ra lý thuyết về sự trưởng thành gồm các “mùa” khác nhau mà người lớn phải trải qua, trong đó lứa tuổi 30 được coi là giai đoạn “yên bề gia thất” (Settling Down). Đó là khi chúng khi bạn bắt đầu ổn định sự nghiệp – kết hôn và có con. Nhà tâm lý học Erik Erikson thì gọi đây là giai đoạn giữa của sự trưởng thành, trong đó thường bắt đầu với việc thiết lập một sự nghiệp và có gia đình. Đây cũng là giai đoạn bạn có thể gặp phải mid-life crisis, những cuộc khủng hoảng trung niên (mặc dù chúng ta đều có khả năng gặp khủng hoảng ở bất kì giai đoạn phát triển nào trong cuộc đời).

Thời gian của người phụ nữ có gia đình bắt đầu đong đếm bằng thời gian chăm sóc con cái và thời gian dành gia đình. Đặc biệt vào thời điểm bạn có con cũng là lúc bạn bắt đầu thấy giá trị của thời gian. Thời gian để ngủ, thời gian để làm việc, thời gian để cà phê cùng bạn bè… tất cả mọi thứ đều bắt đầu ngắn lại. Khi trò chuyện với một người mới làm mẹ, bạn sẽ biết họ tiếc nuối thời gian ngủ trước khi có con như thế nào.

Thực tế, theo một nghiên cứu của Mỹ, thời gian của phụ nữ dành cho con cái nhiều hơn hẳn so với đàn ông. Trong khi đó, những bà mẹ cũng có khả năng gặp phải “motherhood penalty” – ví dụ như bị giảm thu nhập, sa thải sau khi có con nhỏ do họ rời khỏi lực lượng lao động tạm thời và giảm số giờ làm việc.

Ngay cả với những người lựa chọn sống độc thân, họ cũng phải đối mặt với những áp lực và định kiến của xã hội. Thực tế rằng chúng ta đang sống trong một xã hội được “thiết kế” để vừa vào những khuôn mẫu chung, ví dụ như bạn cần lập gia đình và có con. Trong khi những người lựa chọn lối sống khác biệt sẽ ít được xã hội đồng cảm hơn. Điều này sẽ tạo ra những căng thẳng và nỗi lo âu riêng.

Ảnh: alessandra de cristofaro

Là phụ nữ hãy quan tâm hơn tới thời gian cho riêng mình

Đừng quá lo lắng và cho rằng bạn chẳng còn thời gian để làm điều mình thích nữa. Đây đều là những cột mốc chuyển giao hết sức bình thường. Bạn cũng không cần ép mình phải theo đuổi một lối sống mãi mãi chỉ vì áp lực về hạn chót.

Bên cạnh đó, cú chuyển giao lớn như kết hôn, có con, đổi việc… lại là cơ hội hoàn hảo để phát triển cá nhân. Một nghiên cứu gần đây về não bộ cho thấy não của người trưởng thành có độ đàn hồi (brain plasticity) và chúng không ngừng phát triển để tạo ra những dây thần kinh mới khi bạn trải nghiệm hay trải qua những thay đổi lớn trong cuộc đời. Biết đâu đó, những ngã rẽ mới sẽ tạo cho bạn những cơ hội mà bạn chưa từng nghĩ đến.

Với những người làm mẹ lần đầu, dù cho khi bắt đầu bạn sẽ có thêm nhiều trách nhiệm đồng nghĩa với việc thời gian phải chia nhỏ cho nhiều việc hơn. Nhưng giống như việc tản bộ, bạn đang bước đi chậm rãi và từ từ chứ không phải đang đi lùi. Hãy tận hưởng thời điểm hiện tại và quan tâm hơn tới cân bằng cuộc sống vì bạn xứng đáng có một cuộc sống đầy đủ với sự nghiệp, gia đình và cá nhân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *