Rich Karlgaard, tác giả cuốn sách Late Bloomers: The Power of Patience in a World Obsessed with Early Achievement từng nói về sự trưởng thành như sau: “Những năng lực xác định biến chúng ta trở thành người lớn: năng lực kiểm soát cảm xúc và tính bốc đồng, khả năng lập kế hoạch cho những quy trình phức tạp và giải quyết các vấn đề”.
Cuốn sách cũng cho thấy sự liên quan tương đối mật thiết giữa sự trưởng thành và thành công trong công việc, hoặc ngược lại. Ông cho rằng những người thành công sớm (early bloomers) có thể gặp một số vấn đề về cảm xúc trong khi những người thành công muộn (late bloomers) do họ trưởng thành muộn chứ không phải do những vấn đề khác. Rich cũng cho thấy thứ mà chúng ta thật sự nên quan tâm là sự trưởng thành về mặt cảm xúc hơn là sự trưởng thành về thể xác hay tuổi tác.
Ảnh: Abby Lossing
Định nghĩa trưởng thành về mặt cảm xúc
Theo từ điển tâm lý học American Psychological Association, trưởng thành về mặt cảm xúc (Emotional Maturity) là khả năng kiểm soát và thể hiện cảm xúc cao. Hiểu theo một cách khác thì đó là khi một người có trí tuệ cảm xúc cao.
Khi chúng ta nghĩ về một người trưởng thành về mặt cảm xúc, đó là một người hiểu rõ về bản thân họ.
Kể cả khi họ không có tất cả các câu trả lời, một cá nhân trưởng thành về mặt cảm xúc dễ dàng đem lại một cảm giác kiểu “bình yên trong cơn bão tố”. Họ là những người mà bạn sẽ tìm đến khi bạn gặp khó khăn, bởi vì họ dễ dàng vượt qua được các cơn căng thẳng trong cuộc sống.
Họ cũng là người biết cách phản ứng lại các tình huống khó khăn trong cuộc sống với thái độ bình tĩnh. Đó là một bộ kĩ năng đặc biệt được thực hiện với phong độ tốt qua thời gian.
3 lý do trưởng thành về mặt cảm xúc quan trọng trong công việc
1. Trưởng thành về cảm xúc giúp suy nghĩ cởi mở hơn
Người trưởng thành về mặt cảm xúc có khả năng bình ổn về cảm xúc một cách dễ dàng. Trong khi họ cũng trải nghiệm các thay đổi trạng thái cảm xúc, lo âu, khó chịu hay giận dữ như bình thường. Mức độ cảm xúc của họ nhìn chung khá ổn định.
Sự ổn định sẽ giúp họ bình tĩnh, đầu óc rõ ràng hơn cho phép họ có khả năng phát triển tư duy linh hoạt, họ có khả năng nhận thức được tình trạng của bản thân và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với môi trường làm việc.
Tư duy linh hoạt giúp họ dễ dàng đón nhận một ý kiến trái chiều, một lời phê bình từ cấp trên hơn, hay một lời phàn nàn từ khách hàng.
2. Thấu cảm là một lợi thế
Thấu cảm hay đồng cảm là năng lực đặt bản thân mình trong vị trí của người khác, một kĩ năng quan trọng của hững người có trí thông minh cảm xúc. Đồng cảm với người khác, biết họ đang cảm nhận như thế nào và đưa ra hành động để ảnh hưởng lên họ là kĩ năng cao nhất của trí tuệ cảm xúc.
Trong công việc, khả năng đồng cảm được đánh giá rất cao trong sự thành công nơi công sở. Được coi là một trong những kĩ năng quan trọng nhất trong môi trường làm việc, theo Linked.
Đọc vị cảm xúc một khách hàng tiềm năng, nhìn thấy nhóm của mình đang gặp khó khăn khi giải quyết một vấn đề… là những bước quan trọng quyết định việc giải quyết vấn đề thành công. Nhìn ra được năng lượng làm việc của nhóm đang xuống thấp, phát hiện ra những nỗi lo lắng không được nói thành lời hoặc nỗi sợ của một nhân viên, phát hiện ra niềm đam mê của cấp dưới… sẽ giúp bạn lãnh đạo nhóm của mình tốt hơn.
3.Hiểu về bản thân giúp bạn làm việc hiệu quả
Tự nhận thức là một kĩ năng quan trọng khác của trí tuệ cảm xúc. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc có năng lực tự đánh giá bản thân khá tốt. Họ biết được vị trí của mình ở đâu trong công việc, một nhân viên mới, một nhân viên lâu năm hay một lãnh đạo cấp cao.
Hiểu về bản thân cũng là tự đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn không nên coi thường năng lực tự nhận thức bản thân, chính khả năng này sẽ quyết định bạn làm việc với chính bạn và với người khác có hiệu quả hay không. Một số người thường “ảo tưởng về sức mạnh bản thân” nhưng kết quả trong công việc lại không chứng minh điều đó.
Ngược lại, người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ biết được năng lực trong công việc của mình ở đâu và cố gắng hơn. Họ cũng dễ dàng thoả thuận với phía nhân sự hơn mà không bị “ảo tưởng” về giá trị thực.
Ảnh: the cut
Làm thế nào để biết mình đã trưởng thành về cảm xúc?
Cách 1: Thực hiện bài kiểm tra EQ được thiết kế dựa trên lý thuyết về trí tuệ cảm xúc của Daniel Golman, tác giả nổi tiếng của cuốn Trí tuệ cảm xúc. Một vài bài kiểm tra hữu ích: EI, Mindtool, Psychology Today
Cách 2: Tìm hiểu 9 đặc điểm tiêu biểu được các nhà tâm lý học nêu ra ở đây.
Cách 3: Thử xử lý tình huống theo cách của nhà triết gia Alain de Botton, The School of Life được tóm tắt dưới đây
Đầu tiên, thử đặt bản thân vào tình huống: Khi mà người bạn thường phụ thuộc về mặt cảm xúc khiến bạn thất vọng (người thân, người yêu hay bạn bè thân thiết) hoặc khiến cho bạn cảm thấy mông lung, bạn sẽ phản ứng theo cách nào?
Alain đưa ra ba tình huống về hành vi mà chúng ta phản ứng, tương ứng với độ trưởng thành về cảm xúc và bạn có thể tự chấm điểm từ 1 tới 10 cho bản thân. Ba cách phản ứng thông thường của chúng ta – Xù lông nhím, từ chối giao tiếp; Nổi trận lôi đình và Né tránh vấn đề cho thấy những năng lực bản thân đang thiếu để hình thành lên một cảm xúc trưởng thành – Sự giao tiếp, Lòng tin và Sự mong manh.
Ảnh: Abby Lossing
Vậy làm thế nào khi thấy mình non nớt về cảm xúc
Một người non cảm xúc ngược lại với người trưởng thành về cảm xúc, là người có xu hướng thể hiện cảm xúc mà không kiềm chế hoặc cân nhắc tới hoàn cảnh xung quanh.
Bạn không tự nhiên mà trưởng thành về cảm xúc, kể cả khi bạn đã bước chân vào giảng đường đại học hay mới bước sang tuổi 25, có công việc đầu tiên, kết hôn, có con và nghỉ hưu.
Không giống như trưởng thành vật lý, cảm xúc phải học, luyện tập và phát triển một cách mạnh mẽ. Khi bắt đầu nhận ra mình non cảm xúc, để bắt đầu trưởng thành hơn bạn cần lưu ý hai điều quan trọng dưới đây dưới đây
Trí tuệ cảm xúc: Học từ những gì cơ bản nhất về cảm xúc của con người, của chính bạn và cách cảm xúc vận hành. Bạn có thể đọc cuốn sách Trí tuệ cảm xúc, Search Inside Yourself hay tham gia một khoá học về trí tuệ cảm xúc trên Coursera.
Sức khoẻ của cảm xúc: Phát triển các thói quen, lịch trình giúp xây dựng một sức khoẻ tinh thần thật tốt. Những hoạt động bao gồm: tập luyện thể dục thể thao, thực hành thiền, chánh niệm, hay theo đuổi lối sống nhẹ nhàng.