Khỏe đẹp Plus – Cây thuốc tự nhiên, loại đã qua sơ chế, dạng bào chế thành bột… như “ma trận” dược liệu bủa vây người tiêu dùng, khiến họ không biết đâu mà lần.
Thương lái thu mua cạn kiệt dược liệu quý hiếm, thiếu thuốc chữa bệnh
Từ biên giới, lò sản xuất đến online
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn trên, chúng tôi đã bỏ nhiều công sức khảo sát tận các cửa khẩu, chợ thuốc nam, hiệu thuốc và cả mạng xã hội để có góc nhìn đa chiều về sự hỗn loạn của thị trường dược liệu bây giờ.
Tìm hiểu một số chợ vùng biên Lạng sơn: Chợ Đông Kinh, Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Giếng Vuông…. được bày bán công khai các dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thuốc được gói thành từng bọc, túi, kèm theo tờ giấy ghi tên thuốc công dụng, cách dùng chứ không hề thông tin về nhà sản xuất.

Tại chợ Đồng Đăng có rất nhiều gian hàng bán quả la hán, dâm dương hoắc, ba kích tím, tam thất, mật nhân…. Ba kích tím giá 200 nghìn đồng/kg khô (trong khi đó giá bán 1kg tươi là 160 nghìn đồng/kg, khoảng 3 – 4kg tươi mới được 1kg khô). Giá sâu chít là 150 nghìn đồng/kg (hàng tươi, mỗi con 5.000 đồng, phải hàng nghìn con mới được 1kg khô). Chủ một cửa hiệu cho rằng, nếu lấy sỉ (giá buôn) thì có thể giảm đến hơn 1 nửa. Giá dược liệu rẻ như vậy thì làm sao có hàng chất lượng?
Trong vai một lái buôn dược liệu, tôi kết nối một đầu mối tên T. tại chợ Đông Kinh. Anh này cho biết, muốn mua bao nhiêu dược liệu cũng có, từ thuốc nam đến thuốc bắc. Chỉ cần đặt cọc trước một nửa số tiền, đợi 1 – 2 ngày sẽ có hàng. Lo ngại về vấn đề thuốc để lâu sẽ hỏng, anh T. trấn an, anh cứ yên tâm, thuốc được sấy bảo quản, để vài năm cũng không hỏng.
Nguồn dược liệu nhập khẩu không đảm bảo chất lượng đã đành, ngay cả nơi được coi là nơi sản xuất đông dược cũng mập mờ chất lượng.
Theo khảo sát, làng Ninh Hiệp (H.Gia Lâm – TP. Hà Nội) – nơi sản xuất đông dược lớn bậc nhất cả nước, với hàng trăm hộ hành nghề sản sơ chế thuốc nam bắc, đa số chưa có giấy phép hành nghề. Trước đây, họ còn thu mua nguyên liệu từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng hiện nay, nguồn dược liệu quý hiếm đã bị thu mua cạn kiệt, thương lái bán sang Trung Quốc. Thế nên mới xảy ra nghịch lý, tại đây vẫn phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, giá rẻ hơn rất nhiều, nhưng chất lượng thế nào thì chưa biết.
Tiếp tục tìm hiểu tại phố Thuốc Bắc, Lãn Ông (Hà Nội), các hiệu thuốc bắc, cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền và thuốc bán trên mạng xã hội, chúng tôi cũng rất khó tìm thấy những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ chứ đừng nói đến chất lượng sản phẩm.
Một vị thuốc chênh giá mấy chục lần
Qua quá trình khảo sát giá dược liệu, chúng tôi phát hiện rất nhiều dược liệu có giá chênh lệch nhau rất lớn. Vị thuốc xuyên khung: chênh hàng chục lần, có nơi bán 160.000 đồng/kg, có nơi bán đến 6,5 triệu đồng. Vị thuốc ích trí nhân, Trung Quốc thu mua với giá vài chục nghìn đồng/kg, bán lại Việt Nam giá khoảng 400 – 500 nghìn đồng/kg
Một số dược liệu nước ta trồng được cũng chênh lệch giá: giá thấp nhất khoảng 60 nghìn đồng/kg, có nơi bán đến hơn 800 nghìn, chênh đến 13 lần. Thiên môn đông giá thấp nhất 140 nghìn đồng, cao nhất đến gần 800 nghìn đồng, chênh hơn 5 lần.

Nấm phục linh thiên được giới buôn dược liệu làm loạn giá thị trường. Người ta đồn thổi nấm có tác dụng chữa ung thư, ức chế tế bào ung thư… Sau khi truyền thông đưa tin, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ. Dân buôn săn lùng khắp nơi, thổi giá cao ngất trời, nơi bán giá 2 triệu/kg, nơi bán 20 triệu/kg, thậm chí có nơi bán giá hàng trăm triệu. Còn chất lượng chữa ung thư đến đâu thì vẫn chưa ai kiểm chứng được.
Mua dược liệu giá rẻ thì tất nhiên chất lượng sẽ không tốt. Vậy mà nhiều người mua dược liệu với giá cao ngất trời vẫn ngậm đắng nuốt cay vì chất lượng quá kém.
Nhầm lẫn “chết người”
Trong sự hỗn loạn của thị trường, người ta có thể dễ dàng đánh tráo khái niệm về dược liệu, thậm chí nhầm lẫn sâm với các loại cỏ cây có độc dược.
Từ người kinh doanh đến người sử dụng dược liệu rất hay nhầm lẫn giữa củ sắn bằng củ mài, cây nhân trần với cây bồ bồ, thậm chí cùng trong một họ nhưng khác loài, loài có tác dụng, còn loại khác chẳng tác dụng gì.
Sâm Cau có tác dụng dược liệu thật sự là cây tiên mao chứ không phải cây giáng ông (tên gọi khác là cây bồng bồng) mà thị trường vẫn rao bán. Sở dĩ cây giáng ông dễ bị nhầm lẫn vậy là do giới kinh doanh dược liệu “vô tình” hay cố ý rao bán với đủ các loại tác dụng, quảng cáo tràn lan trên mạng, quảng cáo nhiều quá khiến người ta tìm kiếm sâm cau từ google thì lại hiện ra cây giáng ông. Loại cây này chẳng có tác dụng chữa bệnh yếu sinh lý như quảng cáo.

Cây bụp giấm còn khiến các chuyên gia nhầm với cây Actiso. Theo giới chuyên môn, đài hoa bụp giấm có tác hại đối với tinh hoàn. Dùng liều lượng lớn sẽ gây tăng men gan và rối loạn chỉ số hồng cầu.
Trước đây, sâm ngọc linh còn bị một số đối tượng lấy cây tam thất hoang để làm giả sâm ngọc linh, có người còn đem cây đó lên núi Ngọc Linh trồng rồi dẫn người lên trực tiếp thu hái. Củ tam thất hoang vẫn có tác dụng dược lý. Tuy nhiên hàm lượng saponin không thể sánh bằng sâm ngọc linh. Đây có thể được coi là những kiểu làm ăn thất đức nhất trong giới kinh doanh dược liệu.
Ngay cả những sản phẩm quảng cáo là tinh chất chiết xuất curcumin nhưng thực chất chỉ là bột củ nghệ. Thực chất curcumin được chiết xuất từ củ nghệ đã được khoa học nghiên cứu, có tác dụng ức chế, ngăn chặn mầm mống bệnh ung thư. Thế nhưng để sản xuất ra 1kg tinh bột có hoạt chất trên phải dùng 1,3 tấn nghệ. Nghịch lý rằng, trên thị trường có hàng trăm loại sản phẩm chào bán, giá rẻ bèo, chỉ khoảng 500 – 700.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mỗi kg nghệ tươi là 15 – 20.000 đồng/kg… Vậy curcumin ở đâu ra mà lắm thế ?
Ngay cả những loại thảo dược dùng làm nước uống hằng ngày cũng tiềm ẩn biết bao hiểm họa. Nhân trần, giảo cổ lam, cỏ ngọt… được phun chất diệt cỏ, sau một đêm là khô cong. Người ta có thể ra vườn hái rồi đem bán trực tiếp nhằm giảm công sơ chế cũng như bảo quản. Hành động này chẳng khác gì đầu độc cho người tiêu dùng.
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường dược liệu lại trở nên hỗn loạn như bây giờ. Người tiêu dùng có nhu cầu không biết lựa đâu là đông dược, đâu là độc dược. Đó là những tiềm ẩn những nguy hại cực kỳ lớn.
Xử lý không xuể Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra một cách cảm quan như: Các cơ sở có đủ giấy phép hành nghề hay không, thuốc có mốc hay không ?. Còn chất lượng thuốc thì rất khó kiểm tra. “Chúng tôi đã xử lý rất nhiều nhưng vẫn không xuể”, ông Tiến nói. |