Khỏe Đẹp Plus

CHỦ ĐỀ

THEO DÕI CHÚNG TÔI

Khỏe Đẹp Plus – Hàng năm, nhu cầu về thị trường dược liệu Việt Nam rất khá lớn nhưng nguồn tự cung chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu cũng là một vấn đề nhức nhối.

Dược liệu giả gây ngộ độc

Loạn thị trường dược liệu

Thương lái thu mua cạn kiệt dược liệu quý hiếm, thiếu thuốc chữa bệnh

Ma trận dược liệu bủa vây người tiêu dùng

Vấn nạn “rác” dược liệu, bao giờ được xử lý? (Kỳ 2)

Phần lớn là dược liệu “bã”

Tại hội nghị về tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tổ chức ngày 14-9 vừa qua ở Hà Nội, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh ở Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết từ tháng 3-2016 đến nay, cục này đã cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược phẩm tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn.

Việt Nam hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, mỗi năm cần dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu. Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) quốc gia, dẫn số liệu cho thấy nguồn cung dược liệu trong nước chỉ chủ động được khoảng 20% nhu cầu. Như vậy, với khoảng 80% còn lại là hàng nhập khẩu theo nhiều đường, có thể thấy việc kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ dược liệu nhập qua đường chính ngạch chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Trong năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương phối hợp với Cục Y dược cổ truyền đã kiểm tra, khảo sát các dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc. Đoàn đã kiểm tra 109 mẫu, trong đó phần lớn được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Kết quả có 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo đã được đưa vào sử dụng trong các cơ sở y tế công lập.

Giám đốc một công ty liên doanh sản xuất dược phẩm tại Bình Dương cho biết mỗi năm công ty này phải nhập hàng tấn dược liệu mà Việt Nam có thể trồng hoặc khai thác nhưng không đủ công nghệ chiết xuất. Phần lớn nguồn dược liệu này nhập từ Trung Quốc, cụ thể từ năm 2015 đến nay, công ty đã nhập 5 tấn bột chiết xuất từ cây lô hội (nha đam), 2 tấn tinh dầu tỏi, 6 tấn dầu cá tinh luyện…

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco), hiện nay Việt Nam không đủ khả năng kiểm soát nguyên liệu dược nhập khẩu. Nhóm Đông y cổ truyền thì chỉ một số có mối liên hệ làm ăn với những người Hoa thân thiết nhập về một số lượng nhỏ từ Trung Quốc, Đài Loan, chủ yếu cho việc bốc thuốc lẻ. Số lớn còn lại là dược liệu nhập lậu kém chất lượng và dược liệu xác, ví dụ khi mua cao dược liệu từ lá ổi thì nhập phải lá ổi đã bị tách chiết hết tinh dầu, chỉ còn lại xác đã được cho thêm vào chất chát của ổi, và Việt Nam thì không có đủ năng lực kiểm tra trong lá ổi có những chất gì.

Tương tự với nhận định của ông Liêm, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, cho biết nhiều bệnh viện, viện y học cổ truyền bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nay thì Nhà nước yêu cầu phải dùng dược liệu có nguồn gốc và tiêu chuẩn rõ ràng nên họ đang cảm thấy bế tắc, bởi kiểm tra dược liệu, nông dược nhập khẩu là một việc khó.

nguon duoc lieu tu chu chat luong bao gio 1

Đến bao giờ dược liệu Việt Nam mới tự chủ được?

Tài nguyên dược liệu Việt Nam dần cạn kiệt

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc chăm sóc sức khỏe của khoảng 80% số dân tại các quốc gia đang phát triển ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc các loại thuốc từ dược thảo. Nhu cầu sử dụng thuốc ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng ưu tiên các sản phẩm từ thiên nhiên, có nguồn gốc rõ ràng.

Đứng trước thực trạng nêu trên, vấn đề khôi phục và phát triển nguồn dược liệu trong nước là một việc cấp bách. Khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam được xem là khá phù hợp để trồng các loại cây chiết xuất tinh dầu phục vụ sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, như tỏi, nha đam, trà xanh, tinh bột nghệ… Bên cạnh đó, bờ biển dài hàng ngàn cây số là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, chế tạo tinh dầu cá… Tuy vậy, hầu hết công ty dược của Việt Nam đều đang phải nhập khẩu các loại tinh dầu động thực vật vừa nêu.

Kết quả điều tra năm 2015 của Viện Dược liệu cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 4.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý được thế giới công nhận như hồi, sâm Ngọc Linh, quế, đinh lăng, nấm linh chi…, nhiều loài từng có trữ lượng lớn, có khả năng sản xuất trên diện rộng. Tiềm năng phát triển dược liệu còn tăng hơn nữa nếu đi sâu điều tra các loài tảo, nấm, rêu, các sinh vật biển có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, do nạn phá rừng, cháy rừng, cùng với việc khai thác dược liệu liên tục nhiều năm, khối lượng khai thác vượt quá khả năng tái sinh khiến số cây thuốc trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài đã bị liệt vào danh sách “đỏ”.

Thách thức vùng dược liệu

Theo một số vị lãnh đạo các công ty sản xuất Đông dược, hầu như năm nào các bộ ngành cũng họp về việc kiểm soát, bảo tồn, phát triển bền vững các vùng trồng dược liệu nhưng có vẻ như đây là một công cuộc rất gian nan.

Theo bà Vũ Thị Thuận, từ hơn 10 năm nay, Traphaco đã trồng cây trà dây, chiết xuất tinh chất, sản xuất thuốc điều trị đau dạ dày, tá tràng. Đến nay, công ty này đã trồng thêm được cây đinh lăng, atiso, nghệ vàng, rau đắng đất và bìm bìm đạt tiêu chuẩn GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của Bộ Y tế. Hiện công ty đã tự túc được hơn 90% nhu cầu dược liệu trong sản xuất thuốc.

Nhiều công ty khác cũng đã trồng được một vài loài cây dược liệu nhưng còn manh mún, tự phát, ít có quy hoạch.

Cũng theo bà Thuận, hầu như những vùng trồng dược liệu có quy hoạch đều xuất phát từ nhu cầu của những sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp nào đó. Như Traphaco có vùng trồng đinh lăng (ở Nam Định), nghệ vàng (Thái Nguyên), rau đắng đất (Phú Yên), atisô (Sapa, Đà Lạt)…

Ông Nguyễn Văn Liêm cũng cho rằng những vùng cây dược liệu phát triển chính là những cây thuốc làm ra những sản phẩm “đinh” của doanh nghiệp, được doanh nghiệp đầu tư, chăm sóc. Đối với những cây thuốc dùng để sản xuất những sản phẩm không phải là chủ lực, thường doanh nghiệp sẽ chọn phương án nhập khẩu dược liệu.

Trên thực tế, các vùng dược liệu phát triển dựa vào trọng tâm là các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sử dụng cây dược liệu Việt Nam, với mô hình liên kết với nông dân, theo đó, công ty hỗ trợ giống và kỹ thuật; người dân trồng và hái. Mô hình liên kết với nông dân của các công ty Traphaco, Nam Dược, Dược phẩm OPC… đã hình thành nên các vùng trồng đinh lăng, atisô, đương quy, cúc hoa vàng, kim tiền thảo, dây thìa canh, kinh giới, nghệ vàng… tương đối ổn định.

Tuy nhiên, hầu hết những vùng trồng dược liệu là từ sự liên kết với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều người trồng do bị hạn chế về kiến thức, không làm theo kỹ thuật canh tác của doanh nghiệp. Họ cũng rất dễ bỏ qua các cam kết về sản lượng và giá cả với doanh nghiệp đối tác mỗi khi có doanh nghiệp khác trả giá cao hơn. Và cũng có nhiều người trồng trọt tự phát, thiếu định hướng, đến mùa thu hoạch thì bị tắc đầu ra. Do đó, rất cần có sự vào cuộc của các công ty sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu trong việc định hướng vùng trồng, trên cơ sở nhu cầu của sản phẩm.

nguon duoc lieu tu chu chat luong bao gio 2

Dược liệu Việt Nam sẽ dần cạn kiệt nếu không có biện pháp bảo tồn và nhân rộng vùng trồng dược liệu

Cũng theo lãnh đạo các công ty dược, thực tế cho thấy trồng dược liệu cho thu nhập cao hơn các cây nông nghiệp khác, nhưng đòi hỏi phải có vốn lớn để đầu tư giống chuẩn, trồng thử nghiệm, hệ thống tưới, nhà sơ chế… Hiện tại, những người trồng cây dược liệu chưa được hưởng những ưu đãi trong vay vốn, thuê đất hay các chương trình khuyến nông hỗ trợ hệ thống tưới tiêu. Ở góc độ của các nhà sản xuất sản phẩm từ dược liệu, cũng cần tính đến việc ưu đãi đầu ra cho những cây dược liệu có nguồn gốc chất lượng cao, được trồng, thu hái theo tiêu chuẩn quốc tế (GACP-WHO).

Theo ông Lê Văn Sản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược, để phát triển các vùng trồng dược liệu một cách bền vững hơn, rất cần có “cú hích” từ thị trường: “Phải nâng được tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất từ dược liệu ở cả trong hệ thống điều trị lẫn bên ngoài thị trường tự do”. Ông cho biết: “Thuốc từ dược liệu cần được chuẩn hóa. Thực tế hiện nay, đấu thầu thuốc chỉ giống như đấu giá, giá rẻ là trúng mà chưa có hệ tiêu chuẩn phân biệt đơn vị sản xuất thuốc tốt và chưa tốt. Thuốc có nguồn dược liệu đạt chuẩn thì không thể có giá rẻ. Cho nên, những sản phẩm chất lượng chưa có “sân chơi” công bằng trong hệ thống cơ sở điều trị”.

Ông Sản hy vọng việc thúc đẩy phát triển các vùng trồng dược liệu sẽ góp phần hạn chế nguồn dược liệu nhập khẩu chất lượng thấp, cũng là hạn chế việc cho ra những sản phẩm kém chất lượng. Trước mắt, Bộ Y tế cần dựng hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu dược liệu một cách cụ thể hơn, có tiêu chí về định lượng để loại những dược liệu đã bị rút bớt hoạt chất trước khi nhập về.

Còn theo bà Vũ Thị Thuận, Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các vùng trồng dược liệu. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho thuốc sạch, thuốc đạt chất lượng đi vào hệ thống bệnh viện. Đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp tốt thì người trồng cây nguyên liệu liệu mới ổn định công việc. “Hiện nay, cây đinh lăng là cây giúp người dân Hải Hậu (Nam Định) làm giàu. Nên chăng cần hỗ trợ người nông dân có vốn phát triển việc trồng cây thuốc một cách bền vững hơn?”, bà Thuận đặt vấn đề.

HÃY VOTE NẾU TIN HỮU ÍCH!
Share.

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG KHỎE ĐẸP PLUS

  • Địa chỉ ĐKKD: Số 351 Lương Thế Vinh, P. Trung Văn – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Giấy phép thiết lập MXH số 144/GP-BTTTT, ký ngày 11/04/2017
  • Điện thoại: 0967 050 222
  • Email: khoedepplus.vn@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Ngân
  • © Khỏe Đẹp Plus 2024 . All Rights Reserved.
  • Điều khoản dịch vụ
  • Chính sách Quyền riêng tư