Tiêu điểm

Những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội gắn với huyền thoại trâu vàng

Tên gọi Kim Ngưu (trâu vàng) gắn liền với tên gọi các địa danh nổi tiếng của Hà Nội như Đền Kim Ngưu, Hồ Tây và Dòng sông Kim Ngưu. Những địa danh trên đều gắn với sự tích liên quan đến con trâu vàng.

Đền Kim Ngưu: truyền thuyết về đền thờ trâu vàng

Đền Kim Ngưu tọa lạc trên một gò đất cao sát bờ đông Hồ Tây (phường Quảng An, quận Tây Hồ) là ngôi đền thờ trâu vàng và gắn liền với sự tích hình thành Hồ Tây.

Cổng đền Kim Ngưu

Ông Trương Tín Hồi (74 tuổi), Trưởng Tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết, Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ.

Đền Kim Ngưu tọa lạc dưới gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền xây theo kiểu chữ đinh, bên ngoài ba gian bái đường, bên trong hai gian hậu cung thờ dọc, tường hồi bít đốc, bào trơn đóng bén. Đền rất uy nghi và ấm cúng.

Đền thờ Kim Ngưu

Về thần Kim Ngưu đã được nhiều sách ghi chép như: Bắc Thành dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí…

Truyền rằng vào cuối thời Đường, Cao Biền thấy vùng đất Giao Châu rất linh thiêng có thể sinh ra nhiều người tài chống lại Bắc quốc nên đã đến nhiều nơi ở vùng này để trấn yểm, đào đứt long mạch.

Một hôm Cao Biền đến đất Duy Tiên (nay là huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khai sông chặt đứt long mạch núi Phục Tượng (Đọi Sơn), thần núi Đọi Sơn hóa thành con trâu vàng phóng ánh sáng rực rỡ chạy dọc theo sông Hồng lên Hồ Tây. Những vết chân trâu để lại tạo thành dòng chảy, gọi là sông Kim Ngưu. Nơi Trâu vàng ẩn náu gọi là hồ Kim Ngưu (Hồ Tây bây giờ).

Truyền thuyết Hồ Trâu Vàng kể lại rằng, đời nhà Lý, ở nước ta có Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) là vị cao tăng đắc đạo ở Tây Trúc, được phật truyền cho Lục trí thần thông nên có thể biến hóa khôn lường.

Thiền sư gỏi chữa bệnh và các nghề về luyện kim. Tiếng tăm của Minh Không vang sang tận Bắc quốc. Con vua Tống Thái Tông khi đó mắc bệnh nan y, nhà vua cho mời Minh Không sang chữa bệnh. Hành trang Minh Không mang theo chỉ có túi vải, nón và cây tích trượng.

Minh Không chữa khỏi cho con vua nên cho ông tự vào kho chọn, thích lấy gì thì lấy. Thiền sư đã lấy hết đồng đen, bỏ vào túi rồi thả nổi trên chiếc nón, xuôi về Đại Việt.

Khi về nước, Minh Không đem hết đồng đen tô tượng, đúc chuông, trong đó có chuông Phả Lại. Khi tiếng chuông Phả Lại ngân lên thì thấy con trâu vàng chạy từ phương Bắc xuống, đến Phả Lại thì chuông đã chìm xuống sông Lục Đầu. Hiện nay ở đó vẫn còn Vụng Rơi Chuông.

Trâu vàng không thấy mẹ, trên không lại thấy Thiên tướng đuổi theo nên chạy về Hồ Tây thì gặp thần nữ cưỡi diều đuổi bắt, trâu vàng thất kinh liền nhảy xuống hồ. Từ đó Hồ Tây còn gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu vàng).

Nguyễn Minh Không trở nên nổi tiếng là ông tổ nghề đúc đồng của Việt Nam, vị thần y được vua Lý Thần Tông phong là Quốc sư. Đền thờ ông hiện ở làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và ở đền Lý Quốc Sư, số 50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngày nay, Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích Phủ Tây Hồ. Đền Kim Ngưu từng bị thực dân Pháp phá hủy năm 1947. Đến năm 2001, Các giáo sư Trần Lâm Biền, Lê Văn Lan, Trần Quốc Vượng… mới nghiên cứu phục hồi lại.

Hồ Tây – Nơi trâu vàng trẫm mình nơi đáy hồ 

Theo sử sách, Hồ Tây và hồ Trúc Bạch xưa kia chỉ là một. Vì Hồ Tây lớn quá, nhân dân ba làng Trúc Yên, Yên Phụ, Yên Quang mới đắp con đê chắn ngang để giữ phần cá về phía mình. Con đê đó nay trở thành đường Thanh Niên.

Theo sách Lĩnh Nam chích quái, trong “Truyện Hồ Tinh” kể lại, thời Lạc Long Quân xuất hiện con cáo chín đuôi thường xuyên xuất hiện quấy rối người dân địa phương. Lạc Long Quân đã cho Trâu Vàng xuống hồ trừ diệt cáo chín đuôi và lập đền thờ Trâu ở bên bờ.

Tượng trâu vàng trong Đền Kim Ngưu

Trong truyện “Truyện trâu vàng trong núi Tiên Du” lại kể: Núi Tiên Du có Trâu Vàng, nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào làm sụp đất. Nơi đó là thôn Húc sau này. Sau đó, trâu chạy ẩn xuống hồ. Tích xưa kể lại, nếu gia đình nào sinh đủ 10 con trai mới có thể gọi trâu về. Sau đó, có người đến gọi được trâu lên khỏi mặt nước, dắt vào bờ, dây thừng bị đứt, trâu chui vào hang gần đó. Sau này, người ta mới biết, gười gọi trâu chỉ có 9 con trai ruột và 1 con trai nuôi.

Hồ Tây còn được gọi là hồ Trâu Vàng hay Dâm Đàm (đầm mù sương). Mãi đến khi vua Lê Thế Tông lên ngôi, người ta mới gọi là Hồ Tây, tránh tên húy của vua là Duy Đàm.

Dòng sông Kim Ngưu: Vết chân trâu vàng

Dòng sông Kim Ngưu cổ chính là vết tích của bước chân của con trâu vàng trong truyền thuyết.

Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Sông Kim Ngưu từ trại Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận chảy qua các huyện Thọ Xương, Thanh Trì, Thường Phúc, Phú Xuyên, quanh co hơn 80 dặm rồi hợp vào sông Nhuệ. Tương truyền Cao Biền xưa muốn phá núi Lạn Kha, có trâu vàng trong núi xổng ra về ẩn ở hồ Tây. Trâu chạy đến đâu thành sông đến đấy, nhân đó mà gọi tên sông”.

Theo bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831, sông Kim Ngưu vốn tách từ sông Tô chỗ làng Láng, chảy về phía Đông, qua đường Giảng Võ, qua cầu Dừa, qua ô Đồng Lầm. Sau đó, sông nhận thêm nước từ vùng hồ Bảy Mẫu rồi tách ra một nhánh chảy xuôi qua làng Thịnh Liệt (nay là sông Sét) chảy về phía Nam. Theo đó, dòng chính vẫn chảy theo hướng đông qua cầu Dền, xuống Ô Đống Mác, chạy theo đường cánh cung men đê sông Hồng, vòng quanh phía đông của làng Vĩnh Tuy Đoài (sông Gạo), hòa nhập cùng sông Lừ (chỗ đền Lừ), chảy xuống địa phận các huyện Thanh Trì, Thường Tín…

Chính vì vậy, sử sách vẫn còn ghi: “Đò dọc Thịnh Liệt: ở bến Kim Ngưu thuộc huyện Thanh Trì đi từ bến này đến bến Tương Trúc, về mùa hạ thu, nước sông lên to có thể đi đò suốt đến bến Vạn Điểm huyện Thượng Phúc”. Có thể thấy, có thời người ta có thể đi đò dọc từ làng Sét xuống tận chỗ nhà máy đường Vạn Điểm (huyện Thường Tín). Đó chính là một nhánh sông Kim Ngưu cổ.

Theo ông Hồi, sự tích gắn với con trâu vàng có rất nhiều truyền thuyết, mỗi truyền thuyết ở mỗi địa phương có thể khác nhau. Tuy nhiên, ở Hà Nội có thể hiểm nôm về các địa danh liên quan như: Hồ Tây là nơi con trâu vàng trẫm mình xuống dưới hồ, ngôi đền thờ trâu vàng chính là Đền Kim Ngưu và những bước chân trâu vàng chạy qua trong truyền thuyết là dòng sông Kim Ngưu.

Trong văn hóa dân gian, con trâu là linh vật thiêng liêng của người nông dân, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, “yếu trâu còn hơn khỏe bò”. Đất nước ta có hơn 80% là nông nghiệp, chính vì thế nông nghiệp càng được trú trọng. “Bởi lẽ đó, mỗi lần du khách đến Đền Kim Ngưu cũng cầu mong mưa thuận gió hòa, đời sống ấm êm, no đủ.”, ông Hồi cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *