Cũng như nhiều giải Nobel khác được Viện hàn lâm Thụy Điển trao tặng, giải Nobel văn chương luôn được coi là giải thưởng cao quý nhất một nhà văn có thể đạt được, và năm nay, giải thưởng này gọi tên nhà văn gốc Tanzania – Abdulrazak Gurnah.
Sự nghiệp văn chương đồ sộ
Trước khi giải Nobel Văn chương 2021 được công bố ngày hôm qua, nhà văn Abdulrazak Gurnah thú nhận ông cũng như bất cứ ai trong thế giới văn chương tò mò muốn biết nhà văn nào sẽ được vinh danh giải thưởng văn chương cao quý nhất thế giới. Và khi nghe cái tên của chính mình được xướng lên, có lẽ không chỉ Gurnah mà rất nhiều người không khỏi bất ngờ, nhất là khi trong danh sách đề cử toàn những tên tuổi nổi danh trên văn đàn.
Nhà văn 72 tuổi Gurnah chính thức trở thành nhà văn da đen đầu tiên được vinh danh, sau khi nữ nhà văn người Mỹ gốc Phi Toni Morrison đoạt giải Nobel vào năm 1993, đồng thời là nhà văn người Châu Phi thứ 6 trong lịch sử được trao tặng Nobel sau Wole Soyinka người Nigeria (1986), Naguib Mahfouz người Ai Cập (1988) và hai nhà văn người Nam Phi – Nadine Gordimer (1991) và John Maxwell Coetzee (2003); nhà văn người Anh gốc Zimbabwean Doris Lessing (2007). Viện Hàn lâm Thụy Điển lý giải rằng lựa chọn này đến từ “sự không nao núng và thấu cảm sâu sắc từ những ảnh hưởng của chủ nghĩa thuộc địa và số phận của người tị nạn khi đứng giữa những luồng văn hóa ở hai châu lục.” Đó cũng là những chủ đề được Gurnah khai thác trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, với 10 tác phẩm tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Tiểu thuyết thứ tư của ông, Paradise, lọt vào danh sách đề cử rút gọn cho giải Booker Prize vào năm 1994, “một cuốn sách gợi người ta liên tưởng đến hành trình của nhân vật Yusuf vào sự tăm tối của rừng già Phi Châu trong tiểu thuyết kinh điển của Joseph Conrad”. Sau đó 7 năm, tiểu thuyết thứ sáu, By the Sea, cũng thuộc những đề cử cho giải Booker Prize năm 2001. Ở đó, một người đàn ông da đen hạ cánh xuống sân bay Heathrow chỉ với một chiếc hộp đốt hương trầm và chỉ nói một từ duy nhất “người tị nạn”. Cuốn sách gần đây nhất của ông, Afterlives được xuất bản vào năm 2020 kể câu chuyện về Ilyas và hành trình trở về ngôi làng nhỏ bé của mình sau nhiều năm bị buộc phải chiến đấu chống lại chính những người như cậu trong giai đoạn thuộc địa Đức.
Một nhà văn tị nạn
Trong thế giới văn chương của Gurnah, mọi thứ đều có vẻ mơ hồ, từ kí ức, những cái tên cho đến nhân diện, bản ngã. Gurnah nói với BBC 25 phút sau khi được vinh danh rằng quả thực ông tìm kiếm chất liệu từ chính kí ức của mình, từ sự tưởng tượng, và có lẽ việc ông đã rời xa quê hương quá lâu là một bối cảnh thúc giục ông tiếp tục hồi nhớ, tiếp tục tưởng tượng, để tìm kiếm một tiếng nói cân bằng giữa người trong cuộc và của một người quan sát. Câu chuyện của Gurnah trong quá khứ, cũng là câu chuyện của hàng triệu người tị nạn trong nhiều thập kỉ kéo dài của chiến tranh, xung đột, bạo loạn và những hệ lụy của chủ nghĩa thuộc địa cho đến hiện tại.
Nhà văn sinh ra ở Zanzibar (Tanzania), cho đến năm 21 tuổi ông chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Với một đứa trẻ Châu Phi lúc ấy giờ, ước mơ sự nghiệp nên là một thứ gì đó hữu dụng và thực tế như kĩ sư hay bác sĩ, Gurnah kể lại. Tất cả đã thay đổi vào năm 1964 khi bạo động bùng nổ buộc chàng trai 18 tuổi Gurnah phải tìm kiếm cơ hội tị nạn ở Anh. Tất cả những hình dung về người tị nạn xuất hiện đầy rẫy trên báo chí trong thế kỷ 21 cũng không khác mấy những gì nhà văn trải qua: khổ sở, nghèo đói, nỗi nhớ quê hương… tất cả chỉ có thể được giải tỏa thông qua những trang viết nhật kí, rồi chúng kéo dài hơn, rồi cuối cùng, là những câu chuyện Gurnah kể về người khác. Sự hồi tưởng trở thành một cách cứu rỗi, viết lách để thấu hiểu trở thành một thói quen, sự nghiệp văn chương của nhà văn có xuất phát điểm như vậy, với một trong tâm chung là khám phá những tổn thương và tác động của chế độ thuộc địa, của chiến tranh và những cuộc tản cư. Như chính Gunah chia sẻ “Điều khuyến khích tôi viết là ý nghĩ khi ai đó bị mất đi chính nơi chốn của họ trên thế giới này.”
Nhiều nhà phê bình nhận định Gurnah có tầm quan trọng không kém nhà văn nổi tiếng người Châu Phi Chinua Achebe (tác phẩm danh tiếng nhất của ông là Quê hương tan rã, nói về những số phận ở một bộ lạc Châu Phi giữa những biến động của chiến tranh), bên cạnh những ngôn từ rất đẹp và văn phong pha trộn giữa sự hài hước và nhạy cảm. Chính Gurnah cũng hài hước chia sẻ “tôi còn nghĩ họ lừa tôi nữa đấy!” khi biết tin mình thắng giải Nobel.
Đúng người, đúng thời điểm
Nobel được công bố hàng năm, nhưng kì lạ là giải Nobel Văn chương luôn mang lại nhiều dư luận trái chiều nhất. Khó để định nghĩa một nhà văn xuất sắc hơn những nhà văn khác, và mỗi độc giả hay thậm chí nhà phê bình đều có những nhà văn yêu thích của riêng mình, đều có những đoán định trước khi giải thưởng được công bố. Nhiều nhà văn liên tiếp được kì vọng sẽ được xướng tên bởi sự nghiệp đồ sộ và những tán tụng trên văn đàn trước đó như Milan Kundera hay Haruki Murakami. Sách của họ cứ xuất bản là thành bestseller, những bài phỏng vấn về họ xuất hiện đều đặn trên nhiều tạp chí văn chương uy tín, tên họ năm nào cũng chạm đến danh sách đề cử không chính thức… vậy thì, cớ gì khi người ta lại chọn Gurnah cho năm 2021?
Bởi Gurnah không chỉ là một nhà văn đơn thuần, ông là nhà văn của những người tị nạn. Sau cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 ở Châu Âu, và cùng với một thực tế là chiến tranh chẳng có giờ nghỉ, đâu đó trên hành tinh này vẫn âm ỉ tiếng bom đạn và cùng cực đau thương. Từ nội chiến Syria, cuộc diệt chủng Rohingya ở Myanmar cho đến sự kiện Taliban tiếp quản Afghanistan mới đây. Hoạt cảnh hàng trăm, hàng nghìn người chen chúc trên những con thuyền nhỏ bé trôi nổ giữa eo biển Địa Trung Hải, hay trên tàu bay quân sự ở sân bay Kabul, mang theo khao khát duy nhất là có thể chạy trốn khỏi những tàn khốc đón chờ họ. Một nỗ lực phi thường để hướng đến một cuộc sống bình thường… Đó không còn là những hình ảnh xa lạ trên mặt báo trong suốt thập kỉ vừa qua, nhưng đó cũng không phải những bức chân dung đầy đủ khắc họa những người tị nạn. Rằng họ không chỉ là những gương mặt không tên tuổi, bất lực và yếu đuối trên những con thuyền, gào thét kêu cứu trên những bãi biển Địa Trung Hải. Rằng họ cũng có những hồi ức, họ ra đi chứ không vứt bỏ, họ cũng như bất cứ ai, trong họ là tình yêu, là một xung đột cá nhân giữa hòa nhập hay là hòa tan, những bối rối giữa những nền văn hóa cũ và mới… Ngòi bút của Gurnah, thật may đã chạm đến điều đó theo cái cách đầy chất thơ và nhân bản.
Trước khi giải thưởng Nobel Văn chương năm nay được công bố, nhiều nhà phê bình thẳng thắn cho rằng Nobel Văn chương đang ngày càng thiếu tính đa dạng, người thắng cuộc trong suốt gần 2 thập kỉ vừa rồi luôn là người da trắng, và trong số 117 giải Nobel văn chương được trao, có tới 95 người đến từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, 16 nữ nhà văn được xướng tên. Con số đủ nói lên những thực tế không còn “phù hợp” trong bối cảnh chính trị đương thời. Vào năm 2019, Viện Hàn lâm Thụy Điển hứa hẹn giải Nobel Văn chương sẽ trở nên bình đẳng hơn, sẽ không còn tập trung vào những nhà văn nam người da trắng nữa, nhưng hai năm sau đó giải thưởng này vẫn được trao cho hai nhà văn đều là người Châu Âu. Thôi thì có lẽ khoảng thời gian chờ đợi của thế giới văn chương đã kết thúc, vào giây phút cái tên Abdulrazak Gurnah được xướng lên.