Những cuộc đấu tranh vì nữ quyền được ví von như những đợt sóng: ngụp lặn trong từng diễn tiến lịch sử, nhưng rốt cuộc nữ quyền là gì? Đây có lẽ là một trong những khái niệm khiến nhiều người bối rối nhất, ngay cả với phái nữ.
“Những bình luận độc ác nhất về cân nặng của tôi lại đến từ chính phụ nữ.”
Đó là tiếng thở than của Adele về những cuộc đối thoại xung quanh vấn đề giảm cân của nữ ca sĩ. Chuyện là tháng 5/2020, Adele đăng một tấm ảnh chụp chính mình lên Instagram sau khoảng thời gian “sống một cuộc đời bình thường” và tránh xa ống kính giới truyền thông. Đó là một Adele không giống với bất cứ tấm ảnh nào người ta có thể tìm thấy trên mạng, đó nhất định không phải hình ảnh một Adele công chúng nhớ về cô. Đó là một Adele đã giảm 45 kg, nụ cười rạng rỡ trên môi, sự tự tin mới mẻ tỏa sáng trong một tấm hình đơn lẻ. Kể từ đó đến nay, người ta không thể ngừng bàn luận về cân nặng của cô, khâm phục có mà mỉa mai cũng có. Rằng hóa ra cô cũng ghét cơ thể mình. Hóa ra cô cũng như ai, cũng hướng đến một vẻ ngoài chuẩn mực như mấy cô người mẫu quyến rũ nhan nhản trên mặt báo. Hóa ra đến ngay cả Adele – một người nổi tiếng đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao cô gái để yêu thương cơ thể mình – cũng chạy theo một chuẩn mực chung chung mà thôi. Vì sao à? Cho vừa lòng thiên hạ? Cho vừa lòng chính cô? Hay cô trầm cảm quá nên sụt cân? Nói tóm lại, họ không bao giờ thôi bàn tán.
“Họ” trong những cuộc trò chuyện này, đáng buồn lại chính là những người phụ nữ khác. “Cơ thể của tôi luôn được xem như một chủ đề công cộng trong toàn bộ sự nghiệp. Chứ không phải chỉ bây giờ họ mới bàn tán.” Đúng là vậy, những thành công đáng kinh ngạc của hai album “19” và “21” mang Adele lên mục vinh quang. Đỉnh cao sự nghiệp đến với cô quá sớm, quá nhanh, và thú nhận hay không công chúng hay giới truyền thông cũng phải mất kha khá thời gian để “làm quen” với một nữ nghệ sĩ không thể gọi là mảnh mai, và chắc chắn là nhìn chẳng giống với bất cứ nữ ca sĩ nào trước đó. Cho đến khi người ta nhận ra nét duyên dáng, hài hước cùng tài năng âm nhạc của cô thực ra đủ để khiến Adele tỏa sáng rồi, thì đùng, nhiều năm sau, cô trở lại với một thân hình mới.
“Tôi hiểu vì sao họ hoang mang. Tôi hiểu vì sao một số phụ nữ thậm chí có thể thấy bị tổn thương. Về mặt hình ảnh, tôi từng đại diện cho rất nhiều phụ nữ có cùng một tạng người. Nhưng dù sao thì tôi vẫn là tôi chứ.”
Vấn đề ở đây, với Adele, là một thực tế phũ phàng: những comment tồi tệ nhất, ác ý nhất, đều đến từ phụ nữ. “Tôi thật sự thất vọng. Nó khiến tôi cảm thấy tổn thương.”
“Nữ quyền không phải cây gậy phụ nữ dùng để đánh nhau”
Thương tổn này có thể thậm chí chưa phải là một đề tài tranh luận cho đến khi chính Adele phải nói ra những cảm xúc của mình. Phụ nữ tấn công phụ nữ không phải vấn đề mới. Phụ nữ tấn công phụ nữ vì động cơ “đấu tranh nữ quyền” cũng không phải hiện tượng xa lạ. Chỉ là giờ, họ có thứ công cụ nhạy bén hơn quá khứ: mạng internet. Và những cuộc tranh luận đi từ bàn phím máy tính đến chính trường, từ phòng ngủ ra đến đường cho những cuộc biểu tình quy mô ở New York, Paris, Berlin… Còn nhớ thời điểm Emma Watson phát động chiến dịch toàn cầu #HeForShe cùng UN Women, mục tiêu chính là khuyến khích mọi giới tính cùng tham gia vào chiến dịch, nam giới cũng có thể là một người theo chủ nghĩa nữ quyền, và nam giới thì cũng nên nhận ra mình có thể khóc nếu muốn khóc, có thể mặc đồ hồng nếu muốn mặc đồ hồng. Vì cơ bản những khuôn mẫu, những cái hộp được vẽ ra cho từng giới tính chính là thứ người ta cần xóa bỏ.
Một chiến dịch thông minh về mặt lý thuyết, bởi đúng là nếu đã kêu gọi bình đẳng thì ai cũng có quyền đấu tranh như ai, nhưng ai mà ngờ được Emma Watson ngay sau đó lại nhận cơn mưa chỉ trích. Từ nam giới thì còn dễ hiểu, đột nhiên họ được kêu gọi vào hàng ngũ những người đấu tranh “giùm” phái nữ trong khi trước nay ai cũng nghĩ chỉ có nữ giới mới được gọi là người theo chủ nghĩa nữ quyền thôi chứ. Nhưng những chỉ trích đến từ phái nữ thì cũng chẳng khác mấy về mặt tư tưởng, rằng chỉ có phái nữ mới có đặc quyền đấu tranh cho phái nữ, rằng Emma Watson cậy danh tiếng của mình để cổ súy một quan điểm xuyên tạc, linh tinh, đi ngược lại truyền thống nữ quyền.
Từ một “bông hồng nước Anh” nổi tiếng và được ca ngợi không dứt về sự thông minh tỉ lệ thuận với tài năng và vẻ đẹp của mình, Emma Watson trở thành tâm điểm của những đôi co, dè bỉu. Năm 2017, bộ ảnh Emma Watson chụp cho tạp chí Vanity Fair một lần nữa đưa cô nàng vào tâm điểm. Bình luận viên radio nổi tiếng người Anh Julia Hartley-Brewer mỉa mai cô trên Twitter: “Emma Watson: “Nữ quyền, nữ quyền… bất bình đẳng giới về lương… Oh tại sao tôi không được coi trọng… nữ quyền… oh, còn đây là bộ ngực của tôi!” Dòng tweet có 4.500 lượt like, được chia sẻ hơn 2.000 lần chỉ trong một buổi sáng. Phóng viên một tờ báo danh tiếng còn đặt ra câu hỏi: “Liệu Emma Watson có đang đạo đức giả quá không khi vừa vận động nữ quyền xong lại quay ra chụp ảnh lộ ngực?”
Tờ Independent của Anh thì hỏi “Liệu Emma Watson chụp tấm ảnh đó là vì cô ủng hộ hay phản đối sự gia trưởng và xu hướng tính dục hóa phụ nữ của nam giới?”
Rõ ràng đây là câu hỏi của nhiều phụ nữ hơn cả. Dù những tranh luận về quan điểm này thực ra chẳng đưa người ta đi đến đâu, nhưng có một sự thật lộ diện ngay từ chính những nghi ngờ đả kích này: hóa ra lâu nay mỗi người vẫn có một cách hiểu khác nhau về nữ quyền, với người này thì đó là việc ghét đàn ông, với người kia nữ quyền là bình đẳng chốn công sở, là bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực do nam giới gây ra, với Emma Watson thì nó là việc “cho phụ nữ những sự lựa chọn, chứ không phải một cây gậy để phụ nữ đánh nhau”… Kì thực cũng chẳng có cái gọi là sổ tay nữ quyền để có từng gạch đầu dòng cho những phạm vi, cách thức, hay đối tượng đấu tranh nữ quyền cho từng người. Và vì thế, không phải chỉ những phụ nữ đời thường, ngay cả chính trị gia, nhà hoạt động xã hội cũng lúng túng lý giải rốt cuộc nữ quyền là gì và có ý nghĩa thế nào ở thời đại này.
“Nữ quyền cho phụ nữ những sự lựa chọn, chứ không phải một cây gậy để phụ nữ đánh nhau.”- Emma Watson
Tiếng nói thuộc về ai?
Trong lúc lúng túng đó, quan niệm về nữ quyền dần biến đổi và méo mó, đến mức nhiều phụ nữ thậm chí bắt đầu e ngại từ “feminism”, những người phụ nữ được công chúng kì vọng và tôn trọng tiếng nói của họ thậm chí còn rụt rè hơn khi được hỏi họ có phải một người theo chủ nghĩa nữ quyền không. Tất nhiên, chẳng ai muốn là tấm khiên để nữ giới chỉ trích nếu quan điểm về nữ quyền của họ không hợp nhất với người khác. Và họ cũng không thể khiến những người chịu tầm ảnh hưởng từ mình thất vọng. Nên họ thà mập mờ còn hơn.
Meryl Streep trong một cuộc phỏng vấn về bất bình đẳng giới trong việc trả lương ở Hollywood và được hỏi thẳng thừng bà có phải một feminist không. Bà tránh dùng từ này, bà nói mình yêu quý cánh đàn ông ngang với phụ nữ. Không có sự phân biệt nào ở đây. Angela Merkel, thủ tướng Đức trong suốt 16 năm, người phụ nữ quyền lực nhất chính trường thế giới, một tượng đài sống về cái cách phụ nữ có thể thông minh, mạnh mẽ và khéo kéo thế nào trong việc lãnh đạo, vậy mà vào thời điểm năm 2017, khi được hỏi câu tương tự, bà từ chối trả lời câu hỏi này. Nhiều người thất vọng, và thất vọng thì cũng dễ hiểu vì chẳng phải Angela là tất cả những gì người ta hình dung về một sự thành công của cuộc đấu tranh đó sao? Rằng nếu bà mà không phải nữ quyền thì còn ai vào đây?
Cuối cùng sau đó 4 năm, trước khi về hưu, Angela Merkel mới tự tin nói “Tôi là một feminist” với nhà văn nổi tiếng theo phong trào này là Chimamanda Ngozi Adichie. Liệu tuyên bố này là lời khẳng định có phần “hơi muộn màng”, một “cái tát vào mặt phụ nữ” như cách Ines Kappert- người đứng đầu Viện Nữ quyền và Bình đẳng giới Gunda Werner ở Berlin nói? Hay đây mới chính là cách mọi phụ nữ nên làm, muốn trở thành một feminist, họ phải quyết định mình muốn là kiểu feminist gì trước, tự họ phải quyết định mình muốn đấu tranh vì mục tiêu gì, và cách họ đấu tranh là gì?
Trước khi tự tin thừa nhận mình là một “feminist”, Merkel hơn ai hết hiểu rất rõ “sống trong thế giới đàn ông” là thế nào, chuyện bị coi thường, đánh giá thấp. Và những đóng góp của bà với chế độ và trợ cấp nghỉ đẻ của phụ nữ hay thực tế số lượng đông đảo phụ nữ làm việc trong văn phòng cố vấn chính phủ vẫn chưa thể được coi là nhiều nhặn gì so với những vấn đề lớn hơn: khác biệt trong lương bổng giữa nam và nữ vẫn rất lớn ở Đức chẳng hạn. Nhiều người cần phải đấu tranh công khai, bằng ngôn ngữ, bằng diễn văn, bằng biểu tình, bằng xung đột, nhưng có người như Merkel, sự nghiệp của bà chính là một kiểu nữ quyền. Công việc bà làm chính là một kiểu đấu tranh. Merkel là một điển hình của chân lý những người theo đuổi phong trào này tìm kiếm trong không biết bao nhiêu thập kỷ, rằng phụ nữ hoàn toàn có thể chèo lái một quốc gia trải qua hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
“Ngày nay, sẽ không còn ai cười khi một cô bé nói mình muốn trở thành bộ trưởng hay thậm chí thủ tướng nữa,” Merkel nói vào năm 2018.
Và cũng chẳng nên có ai cười nếu một phụ nữ nói họ thích ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con hay vui vẻ thừa nhận “căn bếp là của họ”. Sẽ chẳng nên có ai cười nếu có phụ nữ nói họ muốn phục tùng đàn ông khi làm tình. Sẽ chẳng nên có ai cười nếu người phụ nữ đó muốn mặc một chiếc váy bó ra đường vì cô ấy thích nó. Cũng như việc họ nói họ không ghét đàn ông, và dù tuyên bố mình là một feminist, họ vẫn sẽ để đàn ông giúp đỡ. Sẽ chẳng có ai cười nếu một cô gái muốn giảm cân hay tăng cân, vì dù sao đó cũng là sự lựa chọn của một cá nhân. Sẽ chẳng ai nên cười nếu ngay cả Wonder Woman trong phim mạnh mẽ là thế cũng mưu cầu tình yêu và cần sự trợ giúp của nhân vật nam giới… sự đấu tranh ở đây có thể là tiếng nói của số đông, nhưng đấu tranh chỉ đúng khi mỗi người biết rõ mình là kiểu nữ quyền gì và họ cần phải đòi bình đẳng ở phạm trù gì trong cuộc sống cá nhân. Nói như diễn viên Zendaya, thì có vẻ cô đã tìm ra được định nghĩa của riêng mình về nữ quyền:
“Một người theo chủ nghĩa nữ quyền là người tin vào sức mạnh của phụ nữ cũng như cách họ tin vào sức mạnh của bất cứ ai. Nó là sự bình đẳng, công bằng, và trở thành một phần của nó là điều tuyệt vời.”
Kể từ thời điểm làn sóng đấu tranh nữ quyền đầu tiên vào năm 1848, làn sóng thứ hai vào những năm 1970, làn sóng thứ 3 và chiến dịch #MeToo vào những năm 2010, có quá nhiều sự kiện xảy ra với phụ nữ, nhiều quyền lợi đã đạt được và rất nhiều những chi tiết bất bình đẳng tinh vi hơn, giấu kín trong thanh tầng lớp lang của thể chế chính trị, văn hóa công sở, văn hóa bản địa hay tư tưởng bảo thủ vẫn đang đòi hỏi sự đấu tranh cho nữ quyền.
Nhưng có một quy luật cơ bản của những cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh “mềm” như cuộc chiến đòi quyền bình đẳng mà nhiều phụ nữ đã quên: bên mạnh là bên đoàn kết.
Câu khẩu hiệu “Women Unite for Womens Liberation”