Giãn cách xã hội trở thành bình thường mới và chúng ta phải làm quen với nhịp điệu làm việc kiểu mới. Để tinh thần không bị mất cân bằng mùa dịch, hãy học thích ứng và nghỉ ngơi đúng cách.
Ảnh: ted.com
Khi nhắc tới “nghỉ ngơi”, mọi người thường liên tưởng ngay tới giấc ngủ. Mặc dù việc ngủ đủ giấc có lợi cho sức khỏe nhưng bạn cần nhiều kiểu nghỉ ngơi khác nhau để sống chất lượng hơn.
Trên thực tế, dù có giấc ngủ chất lượng đến mức nào, bạn vẫn có thể cảm thấy tinh thần kiệt quệ, kiệt sức, suy nhược, mệt mỏi. Trạng thái mệt mỏi thường xuyên xuất hiện nhiều ngay cả trong những cách giãn cách xã hội, khi mà bạn tưởng rằng mình sẽ có nhiều thời gian hơn để ngủ, nghỉ ngơi và dưỡng sức.
Mệt mỏi kéo dài có thể liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe khác nhau. Tìm hiểu 7 kiểu nghỉ ngơi khác nhau do bác sĩ Saundra Dalton-Smith đề xuất sẽ giúp bạn học cách tận dụng thời gian để thư giãn tốt hơn.
Nghỉ ngơi thể chất (Physical Rest)
Thông thường khi đẩy cơ thể hoạt động hết công suất, bạn sẽ cần thời gian để phục hồi. Cơ thể cần sự nghỉ ngơi về thể chất mà nó cần. Nghỉ ngơi thể chất bao gồm hai kiểu thụ động và chủ động. Ngủ và chợp mắt là dạng nghỉ ngơi thụ động, trong khi nghỉ ngơi thể chất chủ động có nghĩa là các hoạt động phục hồi như yoga, liệu pháp mát-xa, giãn cơ, giúp cải thiện tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể.
Làm gì để cải thiện: ngủ trưa ngắn hay chợp mắt khi cơ thể đình công có thể phục hồi đáng kể sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc của bạn, hãy lắng nghe cơ thể và cho phép nó được nghỉ ngơi khi cần.
Mặt khác, tạo dựng thói quen nghỉ ngơi chủ động hợp lý, ít nhất hai hoặc ba lần một tuần thực hiện các hoạt động phục hồi cơ thể, như yoga, mát-xa hoặc kéo giãn cũng quan trọng không kém.
Nghỉ ngơi tinh thần (Mental Rest)
Bạn có bao giờ trải qua tình trạng ngủ đủ 8 tiếng một ngày nhưng sáng hôm sau thức giấc vẫn cảm thấy cáu kỉnh, hay quên và khó tập trung vào công việc? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang cần nghỉ ngơi tinh thần. Bạn cần ngừng não phải làm việc chăm chỉ và cho nó một khoảng thời gian để xử lý thông tin, tạo kết nối và củng cố ký ức.
Làm gì để cải thiện: Tin tốt là bạn không cần phải nghỉ việc hoặc đi du lịch xa mới có thể nghỉ ngơi tinh thần. Thay vào đó, hãy chia nhỏ thời gian nghỉ sau một đến hai tiếng làm việc căng thẳng một lần trong suốt ngày làm việc. Những khoảng nghỉ này có thể nhắc nhở bạn cần giảm tốc độ hoạt động trí não và để ý hơn tới việc nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó phát triển các sở thích có tính thiền giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ dai dẳng trong đầu như viết nhật kí, đan len, vẽ tranh, làm vườn.
Ảnh: alphr
Nghỉ ngơi giác quan (Sensory Rest)
Môi trường sống và làm việc hiện nay khiến chúng ta bị bao vây bởi đủ loại ánh sáng và tiếng ồn hơn bao giờ hết – đèn điện, màn hình máy tính, điện thoại, tiếng ồn đô thị, cuộc họp văn phòng và các cuộc trò chuyện qua zoom. Tất cả có thể khiến các giác quan của chúng ta cảm thấy quá tải.
Làm gì để cải thiện: Các hành động đơn giản như nhắm mắt lại một phút vào giữa ngày, đi bộ và để điện thoại ở nhà, hay cố ý tắt các thiết bị điện tử vào một giờ cố định cuối mỗi ngày cũng có thể giúp các giác quan của bạn được thư giãn đôi chút.
Nghỉ ngơi sáng tạo (Creative Rest)
Kiểu nghỉ ngơi này có sự liên hệ với nghỉ ngơi tinh thần nhưng không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt nằm ở mục đích, thông thường nghỉ ngơi sáng tạo đặc biệt quan trọng đối với những ai đang có nhu cầu giải quyết vấn đề hoặc tìm kiếm các ý tưởng cho một giải pháp nào đó. Khi bạn quá tập trung vào việc bạn đang nghĩ đến và không thể tìm kiếm được điều mình cần, đây là lúc bạn cần nghỉ ngơi.
Làm gì để cải thiện: Cho phép bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi sáng tạo có nghĩa là dành một chút thời gian để dừng việc làm, thay vào đó có thể quan sát, suy nghĩ, ghi nhật kí và khám phá. Tiếp xúc với thiên nhiên, gia tăng các hoạt động ngoài trời, thay đổi không gian làm việc hay thưởng thức nghệ thuật là những gợi ý.
Ảnh: nytimes
Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc (Emotional Rest)
Khi bạn bắt đầu cảm nhận được cảm xúc của bản thân như dễ mất bình tĩnh, nước mắt có thể rơi nhiều và nhanh hơn bình thường, khả năng chịu đựng một cuộc cãi vã trở nên mong manh nhiều hơn so với trước… thì đây là những dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi về mặt cảm xúc.
Làm gì để cải thiện: Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc có nghĩa là có thời gian và không gian để tự do thể hiện cảm xúc của mình và hạn chế việc làm hài lòng mọi người. Hãy thành thật với cảm xúc của bản thân và nói “Tôi không ổn”, Cho bản thân không gian để bạn không phải phản ứng với cảm xúc của người khác và nơi bạn có thể ở một mình để xử lý vấn đề của riêng mình. Chia sẻ một số điều khó khăn với những người bạn thật sự tin tưởng nếu cần thiết.
Nghỉ ngơi khỏi xã hội (Social Rest)
Ngay cả những người hướng ngoại nhất cũng có thể gặp tình trạng kiệt quệ vì những mối kết nối trong xã hội. Khi bạn bắt đầu cảm thấy sự kết nối rời rạc và chúng khiến bạn mệt mỏi đó có thể là lúc bạn cần tạm lánh đi và dành nhiều thời gian hơn để kết nối với bản thân.
Làm gì để cải thiện: Để trải nghiệm sự nghỉ ngơi khỏi xã hội nhiều hơn, hãy để bản thân bao quanh thường xuyên hơn với những người tích cực và hỗ trợ cho cuộc sống của bạn. Những mối quan hệ thật sự ý nghĩa. Bên cạnh đó, các hoạt động một mình kết nối với bản thân cũng là một cách để tìm lại sự tĩnh lặng như đọc một cuốn sách, viết nhật ký hay không làm gì cả.
Nghỉ ngơi tâm linh (Spiritual Rest)
Kiểu nghỉ ngơi cuối cùng bao gồm một số kết nối với yếu tố tôn giáo trong cuộc sống của bạn, nhưng cũng có thể đề cập rộng hơn đến cách bạn rút ra ý nghĩa từ cuộc sống và cách bạn kết nối với nhau trong một thế giới chung. Đó là khi mặc dù bạn đã đạt được những mục tiêu đáng tự hào nhưng vẫn cảm thấy mất kết nối với thế giới.
Làm gì để cải thiện: Bác sĩ Dalton-Smith gợi ý thiền định là một trong những cách nghỉ ngơi tâm linh được nhiều người lựa chọn, hoặc đến nhà thờ và cơ sở tâm linh đều đặn. Bạn cũng có thể tham gia vào các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch khi thế giới đang cần.