Trầm cảm sau sinh là vấn đề tâm lý khá phổ biến ở phụ nữ sau thời kỳ sinh con. Bệnh cần điều trị kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và bé.
Có khoảng 50% phụ nữ trải qua cơn trầm cảm nhẹ trong vài ngày sau khi sinh em bé. Có thể bạn chưa biết nhưng điều này là hoàn toàn bình thường. Cơ thể của bạn đã trải qua chín tháng với những thay đổi về thể chất và cảm xúc cũng như những căng thẳng của việc chăm sóc một em bé sơ sinh. Điều quan trọng bạn cần nhớ là không để cảm xúc này điều khiển bạn vì nếu không, bạn có thể bị một tình trạng nghiêm trọng hơn gọi là trầm cảm sau sinh. Những gì bạn cần làm là hít một hơi thật sâu và tìm kiếm những cách thức để kiểm soát tình trạng trầm cảm của bạn.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh con. Mặc dù sinh con đem lại cho người mẹ niềm vui, sự sung sướng và cả sợ hãi, lo âu, nhưng nó cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt như chứng trầm cảm. Cảm giác buồn bã là điều thường thấy sau sinh bởi sự thay đổi hormone trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới tâm trạng của bạn. Những thay đổi này thường kéo dài khoảng 2 tuần. Khi những triệu chứng không cải thiện mà tệ hơn sau 2 tuần thì đây là lúc bệnh trầm cảm xuất hiện và có thể trở nên nghiêm trọng. Nếu điều này xảy ra với bạn hoặc với người bạn biết, hãy khuyên họ nên tới gặp bác sĩ ngay. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, nó có thể gây những ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và em bé.
Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh là gì?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là gì. Tuy nhiên một số yêu tố nguy cơ tiềm năng là sự thay đổi về nội tiết tố, do di truyền, những sự kiện lớn trong đời. Có nhiều bằng chứng cho thấy các nội tiết tố như estrogen, progesterone, hormone giáp trạng, testosterone, CRH và cortisol có thể đóng một vai trò gây nên bệnh trầm cảm này. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do sự thay đổi trong lối sống vì phải chăm sóc cho em bé. Tuy vậy, tất cả cũng đều dừng lại ở mức giả thuyết và hiện nay chưa ai chứng minh được nguyên nhân chính xác của trầm cảm sau sinh là gì.
Những dấu hiệu nào thường gặp ở người bị bệnh trầm cảm sau sinh?
Có 3 cấp độ triệu chứng sau sinh gồm hội chứng buồn chán sau sinh (baby blues), trầm cảm sau sinh và rối loạn tâm thần. Tương tự như những bệnh trầm cảm khác, trầm cảm sau sinh có nhiều triệu chứng, dấu hiệu bao gồm:
Hội chứng buồn chán sau sinh (baby blues)
Đây là cấp độ nhẹ nhất của trầm cảm sau sinh. Dấu hiệu và triệu chứng của baby blues chỉ kéo dài vài ngày đến 1 hoặc 2 tuần sau khi sinh, bao gồm:
- Tâm trạng lâng lâng
- Lo âu
- Buồn bã
- Khó chịu
- Cảm giác choáng váng
- Khóc
- Giảm tập trung
- Vấn đề về khẩu vị
- Khó ngủ.
Trầm cảm sau sinh
Nếu hội chứng baby blues không được điều trị tốt, nó có thể diễn tiến thành bệnh trầm cảm sau sinh. Dấu hiệu và triệu chứng bệnh cũng tương tượng như hội chứng baby blues, nhưng nghiêm trọng và kéo dài hơn, thậm chí ảnh hưởng khả năng chăm sóc con của bạn và xử lý công việc hàng ngày. Triệu chứng có thể phát triển trong vài tuần đầu sau sinh và kéo dài tận 6 tháng:
- Trầm cảm hoặc tâm trạng lâng lâng nghiêm trọng
- Khó kết nối với con của bạn
- Tách biệt với gia đình và bạn bè
- Mất khẩu vị và rối loạn ăn uống
- Khó ngủ
- Khóc nhiều
- Mệt mỏi quá mức hoặc mất năng lượng
- Giảm hứng thú và sự yêu thích đối với những hoạt động mà bạn từng rất thích
- Khó chịu và giận dữ quá mức
- Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Lo lắng nghiêm trọng và thường sợ hãi
- Tự làm đau bản thân hoặc con bạn
- Tìm cách tự tử.
- Rối loạn tâm thần sau sinh
Giai đoạn cuối cùng của trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần, chúng bao gồm các dấu hiệu,triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài hơn:
- Nhầm lẫn và mất phương hướng
- Suy nghĩ ám ảnh về việc sinh con
- Ảo giác và ảo tưởng
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn nhân cách
- Tự làm đau bạn hoặc con bạn.
- Rối loạn tâm thần sau sinh có thể khiến bạn có những suy nghĩ đe dọa và hành vi đe dọa cuộc sống và cần được chữa trị ngay.
Trầm cảm trong thai kỳ có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh
Nếu bạn mắc chứng trầm cảm khi đang mang thai, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc tự chăm sóc bản thân mình. Trầm cảm trong thời kỳ thai nghén có thể dẫn đến những nguy cơ sau:
- Sẩy thai
- Sinh non
- Sinh con nhẹ cân.
- Chứng trầm cảm trong thời kỳ mang thai nếu không điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Làm sao để phòng ngừa trầm cảm sau sinh?
Một nghiên cứu cho thấy nếu phụ nữ được hỗ trợ về tâm lý xã hội và tâm lý học sẽ ít có nguy cơ bị mắc hội chứng này. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ, quan tâm thăm hỏi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, bởi vì những người mẹ từng trải qua nó đều mô tả cảm giác của họ lúc đó là “đơn độc”, “không có ai hỗ trợ, quan tâm”.
Ngoài ra một trong những phần quan trọng của việc phòng ngừa đó là biết được những yếu tố nguy cơ để có thể tránh. Phụ nữ sau khi sinh cũng nên đi khám để có hướng điều trị kịp thời nếu mắc bệnh. Song song đó, việc tập thể dục và ăn uống đầy đủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa trầm cảm sau sinh nói riêng và cải thiện tinh thần nói chung.
Điều trị trầm cảm sau sinh thế nào?
Hiện nay có nhiều lựa chọn điều trị đối với chứng này, đôi khi có thể kết hợp nhiều phương pháp đồng thời. Nếu có thể xác định được nguyên nhân làm bạn bị trầm cảm sau sinh, việc điều trị sẽ là tập trung giải quyết nguyên nhân đó. Sau đây là 2 phương pháp phổ biến trong điều trị:
1. Trị liệu không dùng thuốc
Bằng cách can thiệp về mặt tâm lý xã hội và tâm lý học như đã đề cập trong bài, nhiều phụ nữ đã được chữa khỏi trầm cảm sau khi sinh con. Một số dạng điều trị khác như trị liệu nhóm hoặc cho người thân đến thăm cũng có tác dụng. Ngoài ra người ta còn dùng châm cứu, massage, liệu pháp ánh sáng hoặc dùng acid béo omega-3… nhưng hiệu quả thế nào vẫn chưa rõ.
2. Trị liệu dùng thuốc
Một số loại thuốc dùng đã được dùng để điều trị trầm cảm sau sinh như: thuốc ức chế tái vận chuyển serotonin chọn lọc (SSRI), thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa xác định được mức độ hiệu quả của chúng.
Làm thế nào để kiểm soát trầm cảm sau khi sinh?
Có bốn cách đơn giản bạn có thể áp dụng để giảm chứng trầm cảm sau khi sinh con:
1. Tránh những thứ đáng sợ
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường rất nhạy cảm. Bạn dễ nghĩ rằng tất cả mọi thứ bạn nhìn thấy đều có liên quan trực tiếp đến bạn. Vì vậy, bạn có thể không kiểm soát được bản thân và mắc kẹt trong trí tưởng tượng của chính mình.
Do đó, việc đưa ra những hình ảnh tích cực càng nhiều càng tốt sẽ giúp ngăn tâm trí bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Tất nhiên, bạn nên tránh các bộ phim kinh dị, sách đáng sợ, truyện trinh thám và không đọc tin tức quá nhiều, đặc biệt những tin tức phức tạp.
2. Đừng dựa quá nhiều vào các trang web
Thông tin trên trang web tác động trực tiếp vào tâm trí bạn. Hãy nhớ rằng một số diễn đàn cho mẹ không được xác nhận về nội dung. Tất cả các thành viên có thể chia sẻ tình hình của họ, kinh nghiệm của họ, lời khuyên của họ, nhưng một lưu ý quan trọng là họ không hiểu tình hình của bạn rõ ràng, vì vậy họ không thể cung cấp cho bạn những giải pháp tốt nhất. Rất nhiều phương pháp điều trị và kết quả được đề cập, một số người có thể thoát khỏi trầm cảm với những lời khuyên này, nhưng một số có thể không. Nhận được quá nhiều thông tin và lo lắng về kết quả có thể làm cho bạn bị ám ảnh và mệt mỏi hơn.
3. Đừng khiến cuộc sống của bạn quá áp lực
Sức khỏe và công việc, bạn chọn điều gì? Có cần thiết phải hoàn thành tất cả những điều này trong một thời gian không? Nếu bạn đang mệt mỏi và muốn ngủ một giấc, bạn có thể hoãn lại việc nhà. Đừng đặt cho mình quá nhiều áp lực.
4. Tránh xa những người không ủng hộ bạn
Không phải ai cũng sẽ hỗ trợ bạn và tình trạng này của bạn. Thay vì dành thời gian dấn sâu vào những lời than phiền, bạn nên dành nhiều thời gian với những người ủng hộ sẵn lòng ở bên cạnh bạn và lắng nghe bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm những bà mẹ có thể thông cảm với bạn, hoặc đã trải qua trầm cảm sau sanh vì vậy có thể chia sẻ cho bạn bất cứ điều gì bạn cần.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu có triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm kéo dài hơn 2 tuần sau sinh hoặc xuất hiện trong vòng 2 tháng sau sinh, bạn nên đi khám bác sĩ. Nếu những triệu chứng và dấu hiệu của bao gồm những đặc điểm sau, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ:
- Tình trạng không cải thiện sau 2 tuần
- Triệu chứng trở nên tệ hơn
- Khó chăm sóc con
- Khó hoàn thành công việc hàng ngày
- Có suy nghĩ làm tổn hại bản thân hoặc con bạn
- Có ý định tự tử.
Nếu bạn có ý định tự, làm tổn thương bản thân hoặc con mình, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của chồng hoặc của những người xung quanh trong việc chăm sóc con và nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ ngay lập tức.