Tuyệt kỹ quay mật ong ruồi
Khỏe Đẹp Plus – Để quay được những giọt mật ong ruồi tinh túy nhất, người thợ phải trải qua rất nhiều bước, với nhiều quy tắc khắt khe và tỉ mẩn.
Thuần hóa ong rừng
Ông Đinh Công Pường, SN 1966, xóm Bò, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, đã 3 năm nay gắn bó với nghề thuần hóa và quay mật ong ruồi.
Theo ông Pường, trước đây, các cánh rừng Tân Lạc còn nhiều tổ ong ruồi, nhưng do con người khai thác vô tội vạ nên nó dần biến mất. Sau khi loại mật quý dần cạn kiệt thì người ta mới tính đến việc thuần hóa chúng.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Pường am hiểu tường tận về thời điểm cây ra hoa, ong lấy mật, phấn hoa hình thành, tiết sữa chúa, sinh ấu trùng… để lựa thời điểm bắt chúng về nuôi. “Trong thời kỳ ong hút mật sẽ dễ tìm ra tổ của chúng nhất. Người thợ tìm ong dựa vào đặc tính bay của con ong thợ. Căn cứ và hướng, độ cao và tốc độ con ong thợ bay sẽ biết được tổ của nó nằm ở cách đó bao xa. Nếu ong bay thẳng thì tổ ở xa, bay là đà vào khu vực thấp thì tổ của nó sẽ ở gần đó. Chỉ cần tìm xung quanh bán kính vài trăm mét là thấy tổ ong”, ông Pường nói.
Sau khi đem về nuôi, mỗi năm, tổ ong sẽ tự khắc chia đàn. Ông Pường tiếp tục đem tổ ong ra góc cây, pha mùi sáp để dụ đàn ong mới. “Vào mùa đông, khi hoa cỏ không có hoa là thời điểm ong rừng đói nhất dễ dính bẫy nhất. Chỉ cần dung sáp ong cũ, cho vào tổ để dụ đàn ong đến hút mật. Thấy đây là nơi trú ngụ lý tưởng, ong sẽ rủ nhau đến làm tổ. Chỉ cần bắt tổ ong về nhà, nhốt con ong chúa, đàn ong sẽ không bay đi nữa. Hiện tại tôi có trên 30 tổ ong mật nuôi ở lán trên rừng”, ông Pường nói.
Kỹ nghệ quay ong
Ông Pường không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi cách thức quay mật tinh túy nhất.
Bộ dụng cụ bao gồm dao cắt, dao gạt, chậu, mâm, gáo, phiếu… đều phải rửa qua nước nóng hoặc ngâm muối để diệt trùng. Tất cả phải phơi nắng rồi hong khô. Tuyệt đối không được để mật ong dính nước, nếu không nó sẽ bị hỏng.

Quan trọng nhất vẫn là thùng quay. Thùng quay được chế tạo từ một cái khoan tự chế. Khung trụ là một thanh sắt đục thủng qua giá đỡ là nơi đựng mật. Khung trụ gắn với mô tơ có cán cầm để khi quay các khay mật sẽ xoắn xung quanh mà người ta gọi đó là kỹ thuật quay li tâm giống. Kỹ thuật quay này người dùng để vắt nước các loại củ sâm, chỉ khác là các giai đoạn quay mật đều được thực hiện bằng thủ công. Mỗi lần quay khoảng chục vòng rồi lật ngược sáp ong thì sẽ xong một mẻ.
Quay mật đòi hỏi người thợ phải rất tỷ mẩn. Trước khi quay phải tháo nắp lớp vít nắp mật, khi quay mật mới bắn ra. Khi quay phải tương đối đều, tránh ảnh hưởng đến sáp ong, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến việc chia đàn của ong mật. “Theo lý thuyết, mỗi tổ ong sẽ tự chia đàn. Mỗi bánh tổ chia 1 đàn. Nếu không may khi quay vỡ bánh tổ, phải dùng chỉ xâu lại để tránh việc ong giận mà bỏ tổ ra đi.

Theo ông Pường việc quay mật cũng phải tuân theo quy luật nhất định. Phải quay tổ hiền trước, tổ dữ quay sau. Quay mật tốt nhất là khoảng giữa tháng 7 đến tháng 11. Vụ hè từ tháng 4 đến tháng 6. Quay mật vào vụ đông, phải để lại 1 gầu mật cho ong ăn nếu không cả đàn sẽ chết. Mỗi tổ sau 20 ngày mới quay được 1 lần. Mỗi lần quay, phải ghi lại để biết thời gian quay tiếp. Trung bình mỗi tổ chỉ được 2 lít mật nguyên chất.
Theo ông Pường mật ong nguyên chất vì nó chỉ hút hương hoa của các loại thảo dược tự nhiên. Chính vì vậy, chất lượng mật rất thơm ngon và bổ dưỡng. Cục mật và ké mật là hai thứ quý nhất. Ké mật là nơi ủ hàng trăm thứ phấn hoa vẫn chưa kịp tan thành mật. Chính vì vậy, đây được coi là thần dược chữa trị bệnh dạ dày tốt nhất. “Ăn mật chan cơm trị dạ dày rất tốt, tôi đã lấy cho rất nhiều người bị dạ dày khỏi hoàn toàn”, ông Pường khẳng định.
Hướng thoát nghèo trên đỉnh núi
Ông Pường cho biết, nhờ vào uy tín mật của gia đình, mỗi năm trung bình ông bán vài trăm lít mật ong ruồi xịn, giá mỗi lít trên 200.000 đồng. Con cháu được ăn học đầy đủ cũng nhờ vào số tiền bán mật ong.
Tuy nhiên, những người nuôi mật ở xứ này không phải ai cũng được như ông Pường. Được biết, có những người không bán được sản phẩm vì bị những kẻ thu mua lại pha trộn để kiếm lời, dẫn đến mất uy tín của người dân. Đó là do đầu ra của sản phẩm không ổn định.
“Ở chốn “rừng thiêng nước độc này”, người dân chủ yếu trông chờ vào cây ngô, cây sắn, họ ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” vẫn không thoát nghèo. Nếu người dân có kỹ thuật về nuôi và vắt mật một cách khoa học, đồng thời có đầu ra sản phẩm một cách điều đặn thì cuộc sống của của người dân ở xó núi này sẽ được khởi sắc.”, ông Pường bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Công Hay, trưởng xóm Bò cho hay, cả xóm hiện có trên 90 hộ, chỉ có khoảng 5 hộ nuôi thuần hóa ong rừng. Những hộ gia đình có có kinh nghiệm nuôi ong sẽ có cuộc sống khấm khá hơn các hộ khác. Tuy nhiên, đến nay, nghề nuôi ong mật vẫn chưa tương xứng với tiềm năng là do sự khó khăn về kinh nghiệm nuôi ong mật, cũng như đầu ra sản phẩm.
Cục mật là “thần dược” chữa bệnh dạ dày
Theo ông Pường, cục mật là phần mật già (còn gọi là mật cục), trong đó có “ké mật” ở dưới cục mật, không phải tổ nào cũng có. Đây là phần quý nhất trong tổ ong ruồi. Trong làng có nhiều trường hợp bị đau dạ dày, đã đi chữa trị khắp nơi chưa khỏi. Ví dụ như bà Đinh Thị Cái (SN 1964), có tiểu sử bị đau dạ dày nhiều năm, mỗi năm năm phải đi soi và chữa trị nhiều lần mà vẫn không khỏi bệnh. “Thấy các cụ bảo cục mật của ong ruồi có tác dụng chữa bệnh, tôi đã cắt đem đến cho bà Cái ăn thì bệnh đau dạ dày cũng dần tan biến. Đã mấy năm nay bà Cái đã không còn bị cơn đạu dày hành hạ nữa. Trường hợp khác là bà Đinh Thị Lan (46 tuổi) bị đau dạ dày gần 2 năm nhưng đã khỏi chỉ nhờ ăn cục mật. Ngoài ra cục mật còn có tác dụng chữa bệnh đau bụng và giảm béo rất hiệu quả”, ông Pường nói.











Luận