Thực tế, việc chuyển dần tuyết sang mưa ở Bắc Cực không phải là điều bất ngờ. Nhưng nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho biết các khu vực của Bắc Cực có thể chuyển sang chế độ mưa chi phối phần lớn sớm nhất vào những năm 2060 hoặc 2070, nếu thế giới tiếp tục ấm lên với tốc độ cao từ giờ đến cuối thế kỷ. Điều đó là sớm hơn vài thập kỷ so với các nghiên cứu trước đó đã ước tính.
Những thay đổi này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực không chỉ hệ sinh thái mỏng manh ở Bắc Cực mà còn các khu vực khác trên thế giới. Ít tuyết hơn có nghĩa là trái đất sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, làm tăng tốc độ ấm lên.
Khi Bắc Cực nhận được nhiều mưa hơn và ít tuyết hơn, nơi này có thể nóng lên nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều băng vĩnh cửu tan hơn, nhiều sông băng tan chảy hơn và những thay đổi này có thể làm thay đổi đáng kể cảnh quan Bắc Cực, làm tăng tỷ lệ lũ lụt và lở đất.
Không chỉ vậy, một số loài động vật thích nghi tốt với cái giá lạnh và tuyết như tuần lộc hoặc gấu Bắc Cực, có thể bị ảnh hưởng. Và các loài mới đến có thể di cư đến để tận dụng khí hậu ấm hơn. Đồng thời, sự ấm lên nhanh hơn và sự tan chảy mạnh hơn trên các sông băng ở Bắc Cực và băng ở Greenland có thể đẩy nhanh tốc độ dâng của mực nước biển toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điều chưa chắc chắn về ảnh hưởng chính xác của biến đổi khí hậu Bắc Cực trong tương lai. Trong khi một số nhà khoa học cảnh báo về sự thay đổi lượng mưa với xu hướng đánh giá tốc độ ấm lên sẽ nhanh trong tương lai thì cũng có những nhà khoa học lại cho rằng Bắc Cực có thể không ấm nhanh như mô hình dự đoán.
Điều đó nói lên rằng, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi ở Bắc Cực trong tương lai phụ thuộc vào tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu. Và điều này phụ thuộc vào việc xã hội loài người có thể giảm phát thải khí nhà kính nhanh như thế nào.