Vấn nạn "rác" dược liệu, bao giờ được xử lý? (Kỳ 2)

Đăng bởi: Thế Hoàng Thứ Bảy, 22 Tháng Tư 2017 7:06 chiều

Khỏe đẹp Plus – Rác dược liệu là dược liệu đã hút tinh chất, sấy dược liệu, trộn xi măng, trộn tân dược… bán tràn lan trên thị trường, khiến các nhà chức trách cũng phải giật mình thốt lên “khó xử lý”.

Dược liệu giả gây ngộ độc

Loạn thị trường dược liệu

Thương lái thu mua cạn kiệt dược liệu quý hiếm, thiếu thuốc chữa bệnh

Ma trận dược liệu bủa vây người tiêu dùng

Bao giờ Việt Nam mới có thể tự chủ về dược liệu ?

Những con số giật mình

Có một nghịch lý rằng, nước ta có gần 4 nghìn loại thực vật và nấm có công dụng làm thuốc, 52 loại tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Thế nhưng Việt Nam vẫn phải nhập trên 90% dược liệu. Trong khi đó, nguồn dược liệu quý của Việt Nam lại chủ yếu được bán sang Trung Quốc.

van-nan-rac-duoc-lieu-bao-gio-duoc-xu-ly
Thảo dược quý thì được bán sang Trung Quốc…

Theo báo cáo của Hội Đông y Cao Bằng, tại các cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang, Tà Lùng, mỗi ngày có hàng chục tấn các loại dược liệu tuồn qua biên giới. Ước tính mỗi năm cũng gần 500 nghìn tấn dược bị bán qua Trung Quốc. Đó là chưa kể các cửa khẩu khác ở các tỉnh thành trong cả nước.

Trong khi trong nước khai thác tận diệt các loại cây như sói rừng, bòng bong, si đỏ, cỏ nhung, cây na rừng, lan kim tuyến…. thì ta lại phải nhập hàng loạt thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Gian thương còn nghĩ cách trộn vật liệu như gỗ, cỏ cây, thậm chí là cát để tăng thêm trọng lượng của thuốc. Nhiều loại dược liệu, thuốc đông y giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tẩm độc, sấy diêm sinh với hàm lượng lớn, gây độc hại, có thể biến từ đông dược thành độc dược.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 80 nghìn tấn dược liệu cho sản xuất và chữa bệnh, trong đó phần lớn nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, không đảm bảo chất lượng. Theo ước tính mỗi năm nước ta dùng đến 60 nghìn tấn dược liệu. Năm 2015, nhập 50 nghìn tấn thì chỉ có 14 nghìn tấn nhập qua chính ngạch, còn lại nhập qua đường tiểu ngạch nên không biết được chất lượng thế nào?.

van-nan-rac-duoc-lieu-bao-gio-duoc-xu-ly

Cây dược liệu quý bị thu mua theo kiểu tận diệt, bán sang Trung Quốc

Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương kết hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra một số công ty xuất nhập khẩu dược liệu và bệnh viện y học cổ truyền cả nước. Kiểm tra 109 mẫu, 56 mẫu không đạt chất lượng (24 mẫu dược liệu giả, nhầm lẫn).

Khó kiểm soát, xử lý

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số cửa khẩu các tỉnh phía Bắc, dược liệu vẫn được dân buôn đưa qua các các đường tiểu ngạch, sau đó tuồn vào nội địa.

Theo tiết lộ của anh L. (xin giấu tên) – một dân buôn dược liệu tại Lạng Sơn, cho rằng, thuốc nam, thuốc bắc bán trên thị trường chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Thuốc được tuồn qua biên giới qua đường tiểu ngạch. Nếu có nhập chính ngạch thì cán bộ hải quan cũng chỉ kiểm tra được về số lượng và trọng lượng hàng chứ không thể kiểm tra được chất lượng dược liệu. Khi đưa qua biên giới, các “đầu nậu” sẽ tập kết hàng, rao cho các ông chủ tại các chợ đầu mối dược liệu Ninh Hiệp, phố Thuốc Bắc, phố Lãn Ông (Hà Nội); đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (TP. HCM).

van-nan-rac-duoc-lieu-bao-gio-duoc-xu-ly

Dược liệu bán tràn lan trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ

Anh L. cho biết, những loại dược liệu quý như: nhân sâm, đẳng sâm, ba kích tím, tam thất hoang, tam thất… được hút hết chất bằng máy quay li tâm (tốc độc vài nghìn vòng/phút). Tinh chất dược quý được bán cho các công ty dược. Cụ thể, hoạt chất từ cam thảo để làm thuốc viên chữa ho, tách chiết màu từ hồng hoa, tác chất đan sâm, tam thất làm thuốc chữa huyết áp, giảm béo, phòng đau thắt ngực… Còn bã dược liệu thì bán ngược lại Việt Nam. Đó là lý do tại sao dược liệu bán ngược lại thị trường Việt Nam giá rất “bèo”. “Đa số những loại dược liệu bán trong nước với giá cao là do gian thương làm giá”, anh L. cho biết.

Cũng theo tiết lộ của anh này, dân buôn còn làm giả bạch linh từ cacbonat, lấy xi măng trộng vào thỏ ty tử. Chuyện nhuộm màu, hóa chất và pha tạp các loại giống cây thuốc để làm giả dược liệu thì không hiếm… Vì lợi nhuận, gian thương có thể tìm mọi cách để kiếm lời.

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, các sản phẩm bày bán rất khó quản lý. Họ chỉ bán từng mặt hàng dược liệu, không bán theo thang thuốc chữa bệnh. Để xử lý phải phối hợp với ngành y tế, kiểm tra xem sản phẩm có được lưu hành hay không? Hơn nữa, việc kiểm định cần nhiều thủ tục chằng chịt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan này đã xử lý nhiều lắm rồi. Khi phát hiện thì họ bỏ của chạy lấy người. Đã xử lý được một số, nhưng còn rất nhiều vấn đề bức xúc. Đó cũng là vấn đề khó khăn đối với khu du lịch.

“Chúng tôi muốn xử lý cho họ bớt đi, nhưng cũng rất là khó. Họ bảo số thảo dược đó lấy từ cây trên rừng, đem bán. Còn tại các cơ sở bán thuốc, chúng tôi cũng chỉ kiểm tra bằng cảm quan như giấy tờ thủ tục, có nhãn mác hay không, có mốc hay không, chứ yêu cầu cao quá thì rất khó”, ông Tiến nói.

Trả lời báo chí, TS Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết có tình trạng trộn thuốc tân dược vào đông dược. Ví dụ như corticoid trộn đông dược chữa khớp, bổ dương; paracetamol được pha trong đông dược để trị cảm sốt…

Trước sự hỗn loạn về thị trường, người dân thì có nhu cầu về dùng thuốc nam chữa bệnh lại rất lớn, nhưng lại rất ít hiểu biết về lĩnh vực này nên rất dễ mua phải dược liệu giả, kém chất lượng.

Thiết nghĩ, trước thực trạng trên, chúng ta cần có sự vào cuộc của cả xã hội, các ban nghành, xử lý triệt để, tận gốc mới mong cải thiện được vấn nạn “rác” dược liệu.

Chủ yếu nhập theo đường tiểu ngạch
Theo thông tin từ Cục Quản lý y dược cổ truyền – Bộ Y tế, các thuốc đông dược chủ yếu nhập theo đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát chất lượng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, tẩm ướp hóa chất độc hại, nhầm thuốc… bày bán trên thị trường.

tin mới
Xem thêm