Khỏe Đẹp Plus

CHỦ ĐỀ

THEO DÕI CHÚNG TÔI

Khỏe Đẹp Plus – Ôm giấc mộng với dự án về mô hình trồng dược liệu liên kết giữa vườn trồng với doanh nghiệp và chính quyền để cung cấp dược liệu theo tiêu chuẩn GACP, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vị y sĩ ấp ủ giấc mộng với mô hình trồng dược liệu quý khắp đầu nguồn sông Mã. Kỳ 2

Cần mẫn với bệnh nhân

Anh Đỗ Đại Toàn (sinh năm 1973, tại Bản Trại Giống, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là một y sĩ đa khoa nhưng lại rất đam mê dược liệu. Sau giờ những giờ làm tại bệnh viện, anh lại đến từng nhà bệnh nhân để thăm hỏi và chữa trị. Khi người ta trở về với tổ ấm gia đình là lúc anh lặn lội rừng sâu tìm thuốc quý. Vị y sĩ ấy luôn ước mơ đến một ngày sẽ phát triển dự án trồng dược liệu ở đầu nguồn con Sông Mã.

fsfssf

vi y si ap u giac mong voi mo hinh trong duoc lieu quy tren dau nguon song ma

Anh Đỗ Đại Toàn châm cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Sông Mã

Cho dù gia đình anh không có truyền thống về nghề đông y, nhưng anh Toàn lại có một niềm đam mê đặc biệt với thuốc nam. Thế rồi anh tự mày mò, học hỏi những thầy thuốc nổi tiếng tại địa phương. Sau một thời gian đào tạo qua trường lớp về y học, anh Toàn về công tác tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện huyện Sông Mã.

Công việc chính của anh là chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Tại khoa Y học cổ truyền, lúc nào cũng có vài chục bệnh nhân xếp hàng chờ cứu chữa. Thấy anh Toàn đến, bệnh nhân reo hò tên anh. Anh cũng nhớ tên tuổi, địa chỉ và bệnh tình từng người. Không để cho ai phải chờ lâu, anh mau chóng hỏi thăm bệnh tình, bắt mạch rồi đưa ra phương pháp điều trị. Mỗi ca châm cứu kéo dài khoảng 30 phút.

Công việc của anh có lẽ cũng khá đặc biệt so với các bác sĩ khác tại bệnh viện. Bởi lẽ khoa anh cũng ít người nhưng lại rất đông bệnh nhân nên anh phải cáng đáng thêm rất nhiều việc. Hôm nào đông khách, anh phải làm việc xuyên trưa. Bữa trưa của anh có thể là gói mì tôm, cái bánh mỳ khô khốc. Anh bảo đã lâu lắm rồi không được giấc ngủ trưa trọn vẹn. Đoạn đường từ bệnh viện về nhà chỉ khoảng hai chục km, nhưng chẳng mấy khi anh có thời gian về ăn cơm với vợ con. Buổi chiều, anh lại tiếp tục thăm khám cho những bệnh nhân vẫn đang chầu trực. Hình ảnh anh trở về nhà lúc tối mịt đã quen thuộc như cơm bữa.

Qua nhiều năm khám chữa bệnh, anh Toàn đã cứu được rất nhiều người trở về từ cõi chết. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân ngày lũ lượt tìm đến nhờ anh cứu chữa. Họ là những người dân địa phương, mắc bệnh hiểm nghèo, đã đi chữa trị khắp bệnh viện lớn nhỏ, cậy nhờ nhiều thầy thuốc nổi tiếng nhưng vẫn không khả quan. Cuối cùng họ tìm đến tận nhà nhờ anh cứu chữa. “Tôi chỉ có thời gian giúp họ ngoài giờ hành chính. Lúc sáng sớm, tôi tranh thủ đến tận nhà bệnh nhân thăm khám và đưa thuốc cho họ. Thậm chí lúc đêm khuya, khi bệnh nhân gọi điện, tôi lại lặn lội đi vào bản cứu chữa”, anh Toàn chia sẻ.

Lặn lội sưu tầm thuốc

Theo anh Toàn, Sông Mã được thiên nhiên cực kỳ ưu đãi, với thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng đã sản sinh ra hệ thực vật vô cùng phong phú. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã biết cách sinh tồn với điều kiện sống khắc nghiệt.

Ngày trước vùng đầu nguồn con Sông Mã heo hút không một bóng người. Thế rồi những người từ Hưng Yên, Bắc Giang… đã tìm đến khai hoang. Hồi đó, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Họ phải tìm cách để tồn tại ở nơi “rừng thiêng nước độc” đó. Trạm xá cũng phải đi mấy chục km chứ đừng nói đến bệnh viện. Thế rồi họ phải tìm cách chữa bệnh bằng các loại cây thảo dược có sẵn trong tự nhiên. Trải qua bao đời tích lũy kinh nghiệm, các cụ đã truyền lại con cháu nhiều cây thuốc hay, bài thuốc quý. Ấy vậy mà trong thời gian gần đây, thương lái lùng sục thu mua tận diệt thuốc nam. Cây thuốc quý bị thu mua cạn kiệt. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó, anh Toàn sẽ không thể cầm lòng, quyết tâm tìm cách bảo tồn nguồn gen thuốc quý.

Sau mỗi buổi lên viện châm cứu cho bệnh nhân, anh lại về nhà, cởi bỏ chiếc áo blouse, khoác tấm áo lao động cũ kĩ, gói cơm nắm lên rừng tìm thuốc. Theo anh Toàn, nhưng cây thuốc ở gần thì bị người dân thu hái bán cho thương lái, phải đi rất xa, vào tận rừng sâu, đường đi trắc trở mới hy vọng kiếm được cây thuốc quý còn xót lại. “Đi đến đâu cũng thấy dấu chân người săn thảo dược quý. Để đưa thảo dược tự nhiên về trồng tại nhà mình thật quá khó khăn. Thế nhưng tôi không thể ngồi yên để những vị thuốc đó biến mất”, anh Toàn nói.

Ngoài việc tìm kiếm cây thuốc quý, anh Toàn còn rất tích cực nghiên cứu về y học cổ truyền. Thời gian rảnh, anh tranh thủ lên mạng tìm hiểu thông tin, trau dồi thêm kiến thức nghề. Anh vào facebook để kết nối, học hỏi những người cùng hoạt động đông y. Trao đổi qua facebook vẫn chưa giải quyết được những khúc mắc, anh lại bắt xe hàng trăm, hàng nghìn km đến tận nơi thầy thuốc giỏi để học nghề.

“Mục đích nghiên cứu và nhân giống thuốc là việc bảo quản nguồn gen quý cho cộng đồng. Chính vì vậy, tôi không giữ riêng thuốc đó để cho gia đình mà bất kỳ ai có nhu cầu, tôi đều cho” – Y sĩ Đỗ Đại Toàn.

Ngày cuối tuần, anh lại bắt xe đêm từ Sông Mã về Hà Nội để học thêm. “Sau một đêm nằm ngủ thì tôi lại có mặt tại Hà Nội để học hỏi nghề thuốc. Tôi có đến các đơn vị bán giống cây thuốc, nơi trồng dược liệu để nghiên cứu, cơ sở khám chữa bệnh để giao lưu học hỏi. Chỉ cần mình đam mê và chịu khó nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản thì ắt tay nghề được nâng cao”, anh Toàn tâm sự.

Sau nhiều ngày lọ mọ khắp các vùng miền, anh đã sưu tầm được rất nhiều cây thuốc quý, đem về nhân giống tại vườn thuốc của gia đình. Có những giống mới đem về trồng đã không thể mọc được. Chính vì vậy, trước khi đem cây thuốc mới nào về gieo trồng, anh đều phải tìm hiểu rất kỹ về đặc tính của cây đó cũng như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Sau nhiều năm nghiên cứu, vườn thuốc nam của anh cứ tăng dần các loại cây thuốc.

vi y si ap u giac mong voi mo hinh trong duoc lieu quy tren dau nguon song ma 1

Một số loại cây thuốc phổ biến như nhân trần, bồ công anh… đã được anh Toàn reo khắp các thửa đất hoang hóa ở các bản làng, cho người dân tự do sử dụng. Hành động lạ lùng đó theo anh Toàn giải thích rất dễ hiểu. “Trồng thuốc là để phục vụ cộng đồng. Cây thảo dược sẽ giúp người bệnh có thuốc chữa trị kịp thời. Hơn nữa, nhu cầu thu mua dược liệu của các công ty dược rất lớn nên nếu người dân trồng cây thuốc để cung ứng cho họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Tôi muốn đưa cây thuốc vào trồng, nhân rộng theo mô hình cộng đồng. Chỉ cần mình làm được, làm cho người dân nhận thấy việc làm của mình là đúng, họ nhìn thấy nguồn lợi sẽ làm theo. Vì thế, chẳng có lý do gì không thể biến Sông Mã vùng trồng dược liệu.

HÃY VOTE NẾU TIN HỮU ÍCH!
Share.

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG KHỎE ĐẸP PLUS

  • Địa chỉ ĐKKD: Số 351 Lương Thế Vinh, P. Trung Văn – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Giấy phép thiết lập MXH số 144/GP-BTTTT, ký ngày 11/04/2017
  • Điện thoại: 0967 050 222
  • Email: khoedepplus.vn@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Ngân
  • © Sống Đẹp 2024 . All Rights Reserved.
  • Điều khoản dịch vụ
  • Chính sách Quyền riêng tư