Tiêu điểm

Virtual mở ra tương lai cho thời trang như thế nào?

Virtual hay kỹ thuật số ảo đã trở thành một hiện tượng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là sau khi Covid-19 xảy ra, thúc đẩy con người hoạt động trên các nền tảng kỹ thuật số nhiều hơn bao giờ hết.

Trong thời trang, ứng dụng virtual và kỹ thuật số là một phần không thể thiếu để duy trì toàn bộ chuỗi vận hành khổng lồ của ngành công nghiệp này trong giai đoạn tất cả mọi hoạt động vật lý bị đóng băng. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ ràng một số hình thức ứng dụng và kết hợp công nghệ của thời trang hiện nay, và để xem đâu là những cách thức phù hợp để áp dụng ở môi trường Việt Nam hiện tại.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, rất nhiều nhà thiết kế và thương hiệu đã nói đến chuyện ra mắt bộ sưu tập trên định dạng kỹ thuật số. Nhưng kỹ thuật số ở đây là gì? Có rất nhiều điều chúng ta có thể bàn về cách ứng dụng kỹ thuật số ở thời điểm hiện tại.

NÓI ĐẾN KỸ THUẬT SỐ LÀ NÓI ĐẾN GÌ?

Một hình thức ra mắt bộ sưu tập mới rất được các nhà mốt ưa chuộng là trực tuyến, tuy nhiên đó đa phần là các bộ phim thời trang được các thương hiệu lớn đầu tư công sức để sản xuất, để dẫn nhập và đưa người xem vào thế giới (concept) mà họ đã vẽ ra cho bộ sưu tập. Còn ở Việt Nam, việc ra mắt các bộ phim thời trang mang tính chất như vậy chưa nhiều, một phần bởi vì chi phí đầu tư cho một bộ phim thời trang rất lớn, thấp nhất khoảng 20.000$ cho một bộ phim thời trang có chất lượng tương đương như những thương hiệu có tên tuổi, theo Khánh Nguyễn, người đứng sau sự thành công của các bộ phim thời trang thương hiệu nội địa gần đây như HBS, SEESON,…

Do đó, đa phần các thương hiệu vẫn chọn cách an toàn là ra mắt một video quay lại sàn trình diễn thời trang với chỉ người mẫu và các thiết kế, trên một sân khấu không có bóng người xem và sẽ trình chiếu video đó vào ngày công bố ra mắt bộ sưu tập

BOY OVER FLOWERS – Một bộ phim do Khánh Nguyễn thực hiện cho thương hiệu SEESON

Tuy các phương pháp này có thể giải quyết vấn đề về ngăn cách địa lý giữa các thương hiệu và người tiêu dùng, nhưng đó sẽ không phải là một phương pháp bền vững, khi thị trường vẫn khao khát được quay trở lại với những tiếp xúc vật lý, niềm vui của việc được ngồi ở hàng ghế đầu trong mỗi lần ra mắt bộ sưu tập mới. Điều này khiến ta tiếp tục tự hỏi:

Kỹ thuật số sẽ ở đâu trong tương lai của thời trang? Và liệu có tồn tại một khả năng của thời trang virtual thực sự trong tương lai?

Một tính năng khác của virtual mà ta có thể thấy được trong thời trang hiện tại là sự xuất hiện của công nghệ try-on của một số cửa hàng trực tuyến. Chẳng hạn, thương hiệu kính mắt WEEHOURS đã áp dụng tính năng này để khách hàng có thể thử kính trên khuôn mặt của mình từ bất cứ đâu, chỉ với một chiếc điện thoại thông qua công nghệ filter với độ chính xác cao về tỉ lệ, kích thước, màu sắc. Tính năng này cho đến nay có thể nói là mang lại sự tiện dụng lớn nhất cho khách hàng và giúp họ bắt đầu cảm nhận được sự hữu ích của công nghệ virtual đối với thời trang.

Các câu hỏi để tư vấn và chọn kính cho khách hàng tại website của thương hiệu WEEHOURS

Tương tự, một số thương hiệu cũng đã bắt đầu sáng tạo nhiều filter 3D virtual khác nhau để tạo thành một trong những điểm thu hút khác biệt trong chiến dịch marketing của họ. Trong thời đại mà tầm quan trọng của vẻ bề ngoài không chỉ xuất hiện trong cuộc sống thường nhật mà còn trên cả các cộng đồng ảo, các mạng xã hội thì những chiến dịch marketing của thương hiệu thời trang có liên quan đến công nghệ sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý nhiều hơn từ khách hàng, đặc biệt là khách hàng gen Z, những người lớn lên và phát triển trong thời đại số.

VIRTUAL – MỘT XU HƯỚNG TẤT YẾU

Gen Z là những người có khả năng nhất để thử nghiệm những tính năng công nghệ, bởi với những người thuộc thế hệ trước đó như Millennial, gen Y và xa hơn nữa gen X sẽ cảm thấy khó bắt nhịp hơn với những cải tiến công nghệ mới nhất và cũng ít có hứng thú với những ý tưởng mới lạ, độc đáo này. Với một số khách hàng thuộc thế hệ trước đó, những ứng dụng như SnapChat, Instagram, Twitter, TikTok,… có thể là điều rất xa lạ, chưa kể đến các tính năng như Real, livestream, story,… Tuy nhiên, với gen Z, đây lại là những điều không thể thiếu để “tạo nên một cuộc sống thú vị” và do đó, nếu nhãn hàng kết hợp được những hoạt động này vào chiến lược truyền thông thì sẽ rất có ích.

Điều cuối cùng chúng ta nói đến là cách công nghệ đã nâng cấp trải nghiệm của khách hàng thương mại điện tử cũng như việc kinh doanh online của các nhãn hàng ra sao. Các nền tảng như (Facebook và Instagram) đã cho phép các chủ shop đăng tải thông tin quảng cáo và bán hàng, bên cạnh những chatbot tiện dụng giúp rút ngắn thời gian, công sức trong việc tư vấn cho khách. Tiến bộ hơn có thể là công nghệ AI giúp cá nhân hóa sở thích và phong cách của khách hàng để đưa ra những gợi ý phù hợp, thậm chí là đưa ra các thiết kế độc nhất dành riêng cho khách hàng.

Với những khách hàng ngày càng nóng lòng muốn được đáp ứng nhu cầu như hiện tại, đây thực sự là một tính năng vô cùng tiện dụng. Khách hàng thì được hỗ trợ nhanh chóng, trong khi thương hiệu thì giảm tải được thời gian và công sức.

METAVERSE VÀ KHẢ NĂNG VÔ BIÊN CỦA THẾ GIỚI KỸ THUẬT SỐ

Với các thương hiệu cao cấp và sở hữu năng lực tài chính mạnh như Dior, Gucci, Balenciaga,… việc tạo ra những bộ trang phục kỹ thuật số theo đúng nghĩa đen, tức người mua sẽ không thể sờ, nắn, cầm, nắm bộ trang phục nhưng sẽ có thể dùng chúng cho những mục đích khác trên nền tảng ảo, chẳng hạn như việc thay đổi trang phục cho avatar (hình đại diện) trên các mạng xã hội metaverse hoặc những trò chơi có mua bán trang phục, phụ kiện.

Ngày nay, một nhân dạng song song của con người trong thế giới kỹ thuật số tuy chưa phổ biến nhưng không còn là điều mới lạ. Vậy nên các thương hiệu đã nhanh chóng lao vào đầu tư cho một cuộc chơi khổng lồ mới này.

Tựa game kết hợp bộ sưu tập thời trang của Balenciaga – Afterworld: The Age of Tomorrow

Gucci x Roblox

Gucci đã kết hợp với Genie để tạo ra những avatar độc đáo và cung cấp các bộ trang phục độc quyền của thương hiệu cho người dùng ở đây. Gucci cũng đã tạo ra một khu vườn ảo với nền tảng chơi game Roblox, trở thành không gian đáng khao khát cho những vị khách hàng trung thành. Gần đây nhất, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) đã công bố một hạng mục mới trong khuôn khổ The Fashion Awards 2021 – Giải thưởng Thời trang đầu tiên dành cho Thiết kế Metaverse trong Roblox – và Alessandro Michele, Giám đốc sáng tạo của Gucci cũng đã giành được phần thưởng nhờ sự tham gia tích cực cùng với Roblox.

Dior cũng không hề kém cạnh khi có hẳn một thế giới metaverse riêng cho những sản phẩm biểu tượng của thương hiệu. Những chiếc túi kinh điển, những chai nước hoa đặc trưng của nhà mốt,… tất cả đều được 3D hóa để những khách hàng trung thành có thể hóa thân thành một nhân vật và bước vào trải nghiệm thế giới đó, dù ở bất cứ đâu. Balenciaga thì ra mắt bộ sưu tập song song với một trò chơi ấn tượng, nơi người chơi sẽ được cuốn vào cuộc săn tìm và truy đuổi gay cấn, bên cạnh việc bỏ tiền ra mua những thiết kế Thu Đông 2021 quái lạ, độc đáo của thương hiệu. Louis Vuitton bắt tay với những người sáng lập game League of Legends (Liên minh huyền thoại) để tạo ra một sưu tập riêng dành cho game.

Gần đây nhất, việc Facebook chuyển tên thương hiệu thành Meta để đánh dấu bước tiến đầu tiên vào thế giới virtual cho thấy nhu cầu về thời trang kỹ thuật số cho các nhân dạng ảo của người dùng chắc chắn sẽ tăng cao trong tương lai không xa.

QUAY VỀ NỘI ĐỊA CÂN NHẮC VÀ TỈNH TÁO

Tuy nhiên, trước khi lao đầu vào cuộc đua này, các thương hiệu nên tỉnh táo để xác định mục tiêu, cũng như chi phí và lợi nhuận từ các ý định đầu tư vào thời trang kỹ thuật số. Như đã nói ở trên, có rất nhiều hình thức và mức độ khác nhau để thương hiệu bắt đầu tiếp cận với thế giới số và khiến cho sản phẩm của họ trở nên có liên quan với thế hệ người dùng mới.

Một số nhà phân tích tài chính chắc chắn công nghệ virtual sẽ trở thành một cơn bão trong tương lai. Chuyên gia phân tích Morgan Stanley ước tính các công ty xa xỉ có thể tạo ra gần 24 tỷ USD doanh thu từ các giao dịch thời trang trong các game virtual như Roblox hoặc các tài sản NFT. Tuy nhiên, ngoài những thương hiệu lớn mạnh trên toàn cầu, thì những thương hiệu vừa và nhỏ có thể chưa đủ sức để bước chân vào cuộc đua này. Vì vậy, thay vì nôn nóng để trở thành một phần của thế giới đầy cạnh tranh trên, chúng ta hãy nhìn vào thực tế.

Nếu như tốc độ 3D hóa đã trở thành một làn sóng âm ỉ trên thế giới thời trang hiện đại và ở tầm quốc tế, thì ở Việt Nam, ảnh hưởng từ lần đóng cửa thứ 4 do Covid-19 đã khiến các thương hiệu gần như kiệt quệ và xu hướng chung là sẽ không “vung tay quá trán” để chi tiền quá nhiều. Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận và thay đổi về mặt công nghệ của người dùng ở Việt Nam chưa cao, do đó, để “ăn chắc mặc bền”, các thương hiệu chỉ nên tận dụng sức mạnh của công nghệ virtual ở những mức độ sơ khai nhất của nó, tức kết nối nhiều hơn với người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng các tính năng như livestream, story, chatbot,… để trở nên gần gũi hơn với người dùng.

Khách hàng sẽ luôn muốn nhiều hơn. Nhưng thương hiệu cần phải tỉnh táo.

Khách hàng sẽ luôn muốn được đáp ứng nhiều hơn, nhưng hãy chú trọng vào dòng tiền thực tế mà những khoản đầu tư cho công nghệ có thể thu lại. Công nghệ try-on có thể thú vị, một bộ phim thời trang có thể hấp dẫn và hay, nhưng nếu sản phẩm cốt lõi và thông điệp giá trị của thương hiệu không thể truyền đến khách hàng, thì những khoản đầu tư kia sẽ trở thành vô nghĩa.

Vì vậy, hãy luôn xác định trước xem bạn muốn làm ra loại sản phẩm như thế nào, nhắm đến đối tượng khách hàng là ai, rồi từ đó mới chọn ra những hướng phát triển cùng công nghệ virtual phù hợp. Cuộc chơi virtual chỉ mới bắt đầu và hãy giúp mình trở nên sẵn sàng bằng cách chuẩn bị tâm thế và xác định mục tiêu thật rõ ràng, cùng một nguồn lực tài chính và các đối tác thật vững, bởi đây sẽ là một cuộc chơi lâu dài nhưng sẽ thay đổi vô cùng nhanh chóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *