Tiêu điểm

Đã đến lúc ngừng định giá bản thân dựa trên tình yêu đôi lứa

Liệu nghệ thuật và văn hóa đại chúng có đang “thổi phồng” tầm quan trọng của tình yêu đôi lứa, coi nó như một điều thiết yếu trong cuộc sống, để rồi bây giờ chúng ta – những cá nhân riêng biệt lại đang xác định giá trị và sức hút của bản thân dựa trên sự thành công hay thất bại trong việc yêu đương?

Tình yêu đôi lứa, từ thuở hồng hoang, đã là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật: văn học, thi ca, âm nhạc, tranh vẽ. Chúng ta chìm đắm trong những câu chuyện tình yêu và dư vị hạnh phúc xen lẫn khổ đau của nó. Người xưa nghẹn lòng trước cái chết của đôi tình nhân trẻ Romeo và Juliet, mong ngóng một ngày sẽ gặp được người chiều chuộng mình như Rhett Butler trong Cuốn theo chiều gió, hay mơ tưởng về một tình yêu vượt lên trên cả Kiêu hãnh và Định kiến như ngài Darcy và quý cô Elizabeth Bennet. Còn bây giờ, chúng ta đồng cảm với Bruno Mars khi anh không còn có thể mua hoa cho người phụ nữ mình từng yêu trong When I was your man, cố gắng bao dung cho những dối trá mà người tình gây ra như trong Love the way you lie của Eminem và Rihanna.

Nhưng liệu, nghệ thuật và văn hóa đại chúng có đang quá thổi phồng và đánh bóng tình yêu đôi lứa, phong cho nó danh hiệu “điều thiết yếu trong cuộc sống”? Để rồi bây giờ chúng ta, những cá thể riêng biệt, lại đang xác định giá trị và sức hút của bản thân dựa trên sự thành công hay thất bại trong việc yêu đương, dựa trên những mối quan hệ ngoài luồng và cảm xúc của những người mà ta không thể kiểm soát?

Sau những ngày tháng độc thân quá lâu, ta nghi ngờ ngoại hình mình không đạt tiêu chuẩn trung bình để có thể nằm trong tầm mắt một ai đó. Sau những mối quan hệ mập mờ hay tán tỉnh hụt, ta tự hỏi có phải tính cách bản thân không đủ thú vị để “hạ gục” một ai đó. Và sau một mối quan hệ tan vỡ, niềm tin về ngoại hình và tính cách của ta cũng tan vỡ theo khi ta không thể giữ chân người mình yêu.

Tất cả dẫn đến một câu hỏi nghi hoặc: Mình có đủ xứng đáng với tình yêu và xứng đáng được yêu?

1. Giá trị bản thân không phụ thuộc vào cách người khác đối xử với ta.

Câu trả lời là: Ai cũng xứng đáng với tình yêu và xứng đáng được yêu.

Tình yêu đôi lứa không đo đạc được giá trị bản thân. Giá trị bản thân là cách bạn tự nhìn nhận và đánh giá mình. Nó không dựa trên những gì người khác nghĩ về hoặc đối xử với bạn – điều mà ta vốn không thể kiểm soát. Tiếc thay, ta lại luôn quên đi điều này.

Trong một bài viết cho Psychology Today, Amy Morin, một nhà trị liệu tâm lý, giải thích rằng chúng ta liên tục đo đạc giá trị bản thân, nhưng ta thường không nhận thức được mình đang làm đúng hay sai. Đôi khi chúng ta dựa trên nghề nghiệp, ngoại hình, lúc khác lại là dựa trên những mối quan hệ có được. Ta cũng có xu hướng nhận thức được rằng những cảm xúc nghi hoặc tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào nhưng lại hiếm khi dừng lại.

    • Hãy hiểu rằng mỗi người đều có một tiêu chuẩn và gu thẩm mỹ khác nhau, ngay cả bạn cũng vậy. Việc bạn không hợp gu người này không đồng nghĩa với việc bạn thiếu hấp dẫn với người khác. Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả.
    • Cảm xúc của con người luôn luôn thay đổi. Việc họ không còn yêu hay đối xử tệ với bạn nằm hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát.
    • Thời gian và địa điểm cũng là một yếu tố quan trọng. Khi bạn ở một môi trường với những cá nhân không cùng tần số, bạn không thể “bắt sóng” với bất kỳ ai được.

Morin nói: “Hãy sử dụng thước đo dựa trên những yếu tố bạn có thể kiểm soát – chứ không phải những sự kiện bên ngoài. Khi bạn biết mình là ai — và bạn hài lòng với con người mình đã trở thành — bạn sẽ trải qua cảm giác bình yên sau những thăng trầm không thể tránh khỏi của cuộc sống. Bạn sẽ tin tưởng vào bản thân bất kể khi bị sa thải, ly hôn hay không được thăng chức.”

2. Cách ta nhìn nhận về bản thân quyết định ta xứng đáng với kiểu tình yêu nào.

Chính cách ta nhìn nhận về bản thân mới quyết định ta xứng đáng với kiểu tình yêu đôi lứa nào. Giống như khi nhân vật giáo viên Anderson nói với cậu thiếu niên Charlie trong phim Câu chuyện tuổi teen (The perk of being a wallflower), “Chúng ta chấp nhận tình yêu mà ta nghĩ mình xứng đáng.”

Khi bạn chỉ yêu thương bản thân mình ở mức 30%, bạn ngộ nhận việc một người đối xử với bạn ở mức cơ bản giữa người với người là sự ân cần trong tình yêu (vì bản thân bạn còn đang mải ngược đãi bản thân). Nhưng, một khi bạn nhận thấy bản thân mình không chỉ phải được đối xử với những cử chỉ lịch sự cơ bản, mà còn với cả sự quan tâm chân thành, với khao khát làm bạn ấn tượng bằng những bó hoa hàng ngày, những món quà ngẫu hứng, những nụ hôn lẫn trong tiếng cười và những cuộc trò chuyện phiếm thoải mái – đó là khi bạn yêu thương mình bằng cách tự đặt bản thân vào những tình yêu lớn hơn.

Bạn nên là người có ý thức yêu thương bản thân đúng cách, trước khi tìm được một người có thể yêu bạn đúng mực.

3. Nếu tình yêu đôi lứa chưa tới, hãy tập trung vào tình yêu bản thân.

Vào tháng trước, chúng ta có một ngày lễ đặc biệt – 11/11, được coi là ngày Lễ độc thân không chính thức. Ngày lễ này được bắt nguồn tại Trung Quốc, là thời điểm những người độc thân tự thưởng cho bản thân bằng cách đi mua sắm.

Tâm linh một chút, nếu nhìn theo góc độ thần số học, 1111 được coi là con số của các thiên thần, dấu hiệu của một khởi đầu mới, của sáng tạo, nắm lấy tự do, độc lập và theo đuổi những gì bạn muốn. Nếu đến những con số cũng đại diện cho những điều tích cực ở một cá nhân riêng biệt, thì tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội này để thực sự vun vén cho bản thân?

Chúng ta thường dành quá nhiều thời gian xem những video dạy mẹo ứng xử để trở nên cuốn hút hơn trong mắt người yêu, thì thầm truyền tai nhau những cách làm hài lòng họ ở nơi kín đáo; nhưng lại ngó lơ cách để giữ tâm trạng luôn hào hứng và ổn định, hay thường trở nên khắc nghiệt uốn nắn bản thân vào những tiêu chuẩn và khuôn khổ chung của xã hội.

Chắc hẳn bạn đã nghe tới câu nói: Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn được đối xử. Bạn đã ân cần với người khác đủ rồi, giờ hãy đảo ngược câu nói lại một chút: Hãy đối xử với bản thân như cách mà bạn đối xử với người khác. Hãy nấu cho bản thân một bữa ăn ngon, nhắc nhở mình sinh hoạt đúng giờ. Quan trọng nhất, hãy cẩn thận và dịu dàng với cảm xúc của chính mình: cho bản thân thời gian tập yoga, thiền định khi mất cân bằng, tự làm thỏa mãn sức tò mò của mình khi có một sở thích mới, kiên nhẫn nhìn bản thân bước từng bước thay vì chì chiết, cay nghiệt với chính mình mỗi khi vấp ngã, nói không với những cá nhân đang gây ảnh hưởng xấu đến bạn, và từ chối những công việc khiến bạn không thoải mái.

4. Định nghĩa và nhu cầu dành cho tình yêu của mỗi người là khác nhau. Hãy tôn trọng điều đó.

Xung quanh ta có những người hầu như chưa bao giờ ở tình trạng độc thân. Họ nhảy từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác chỉ trong vài tuần, chỉ cảm thấy bản thân có giá trị, được yêu thương khi đang có bạn trai/bạn gái hay đang tán tỉnh một ai đó. Tay trong tay với người yêu mình, họ hỏi những người độc thân câu hỏi quen thuộc: Tại sao bạn đẹp trai/xinh gái và tài giỏi vậy mà chưa có người yêu?

Đã đến lúc nhiều người phải hiểu rằng nhu cầu dành cho tình yêu của mỗi người là khác nhau. Hỏi người khác tại sao chưa có người yêu giống như việc bạn mua một chiếc áo, khoác lên thấy hợp và mặc định người khác cũng cần một chiếc khác có mẫu mã y hệt. Có rất nhiều người chọn những khía cạnh khác làm mối ưu tiên trong cuộc sống như sự nghiệp, sự tự do, sức khỏe bản thân,… và cũng có rất nhiều người cho bản thân một khoảng nghỉ dài hơi sau một mối quan hệ không thành.

Tình yêu nên chỉ là chất xúc tác, nâng đỡ ta về mặt tinh thần để đạt được những mục tiêu của bản thân. Nếu mục tiêu của bạn là tình yêu – tôi cũng tôn trọng điều đó, nhưng bạn nên nhớ rằng danh tính, sự hấp dẫn và giá trị bên trong của một con người không đến từ một mối quan hệ bên ngoài.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *