Tiêu điểm

Lời xin lỗi của Biti’s Hunter về sản phẩm Biti’s Bloomin’ Central

Trước động thái và những cơn dư chấn của cả cộng đồng làm thời trang và sáng tạo, lẫn những khách hàng, Biti’s đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi và đưa ra những biện pháp sửa sai thích đáng, đẩy lùi khủng hoảng.

Biti’s Hunter từng nhiều lần hợp tác cùng Việt Max cho ra nhiều bộ sưu tập với những bản phối tôn vinh Hà Nội, Sài Gòn cũng như các di tích lịch sử đều gây tiếng vang lớn và có doanh thu vô cùng khả quan. Tuy nhiên, với mong muốn khắc hoạ hình ảnh một miền Trung tài hoa, sắc sảo và chân thật, BST mới nhất “Bloomin’ Centrel” – “Hoa Trong Đá” với “1 đôi giày – 3 biến thể” lại gây ra những lùm xùm cho thương hiệu.

Chất liệu văn hoá nội địa chắc hẳn đã không còn là điều xa lạ, từ âm nhạc cho tới thời trang. Nếu như trước đây quan niệm hình ảnh đẹp của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng cũng như loạt tác phẩm đến từ nước ngoài thì hiện tại, những gì thân thuộc và truyền thống nhất lại được ưa chuộng hơn cả. Biti’s nắm rõ những phản hồi tích cực của thị trường, chăm chỉ tập trung vào nghệ thuật nội địa cũng như thể hiện thiện chí hợp tác cùng hệ thống NTK, ca sĩ, hoạ sĩ Việt Nam.

Với BST mới, thiết kế của Biti’s chắc hẳn đã khiến rất nhiều người bối rối và lẫn lộn vì sự kết hợp văn hoá không hợp lí. Với mục đích tôn vinh miền Trung, đôi giày “Hoa Trong Đá” lại giống một sự kết hợp tứ xứ với chất liệu và câu truyện kiên cưỡng, lồng ghép. Đã có nhiều bài viết bày tỏ ý kiến và quan điểm xoay quanh BST “Hoa Trong Đá”.

Theo chia sẻ từ Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam, loại vải Tây Nguyên mà Biti’s đang sử dụng thực chất là hoa văn của dân tộc Chăm, với tên gọi là hoa văn chân chó “takai asau”, được lấy từ hình cây chân chó, là loại thảo mộc dùng rễ và hạt để làm dược liệu. Ngoài ra, cũng có người lý giải đó là hình ảnh của chân chó. Người Chăm còn có câu thành ngữ “nduec yau asau, paduw yau asaih”, nghĩa là “chạy như chó, nhảy như ngựa”.

Tiếp đó, tài khoản Facebook La Quốc Bảo đã cho rằng Biti’s sử dụng nguồn vải gấm rẻ tiền có bán trên Taobao, loại gấm sợi nylon Hàng Châu rất rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp. Loại gấm này vốn là thiết kế “mì ăn liền”, dệt máy jacquard với chất lượng trung bình và độ bền thấp và một lần nữa phạm vào lỗi chiếm dụng văn hóa, cũng như không thật sự tôn vinh những sản phẩm “Proudly made in Vietnam”, và đặc biệt là lấy “Cảm hứng miền Trung” như Biti’s đã nói trong chiến dịch quảng bá.

Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận

Hoa văn chân chó của người Chăm.

Các chi tiết sử dụng vải gấm của Biti’s là loại vải chất lượng thấp bày bán trên Taobao của Trung Quốc. Ảnh từ FB La Quốc Bảo

Vào chiều ngày 12/10, Biti’s đã nhanh chóng có những phản hồi trên Fanpage của mình về những lỗi sai trong khâu sản xuất và truyền thông sản phẩm mới và bày tỏ lời xin lỗi chân thành, thẳng thắn.

“Về nguồn gốc của hoa văn vải thổ cẩm, Biti’s Hunter thật sự bất ngờ với sự khám phá Thổ cẩm Tây Nguyên mình đang sử dụng có nguồn gốc từ hoạ tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm. Biti’s Hunter ghi nhận sự khám phá này và sẽ chỉnh sửa ngay lập tức trong phần truyền thông để ghi nhận hoa văn Thổ cẩm của dân tộc Chăm. Cảm ơn các bạn trong Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam đã chia sẻ thông tin quý báu này, và giúp chúng tôi nhìn thấy sự thiếu sót về chi tiết sản phẩm vải thổ cẩm này.

 

Về vấn đề chất liệu vải gấm thể hiện trong bộ sưu tập lần này, Biti’s Hunter đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng sản phẩm. Trước đó, Biti’s Hunter đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp. Khi mà bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch bệnh hoành hành trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Biti’s Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm về sự lựa chọn chưa thấu đáo này và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm ‘Proudly Made in Vietnam’ đầy tính tự hào. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự chia sẻ và đóng góp quý báu của bạn La Quốc Bảo đối với BST lần này.”

Với những cố gắng xử lí khủng hoảng đáng được ghi nhận, Biti’s đã phần nào khiến dư luận cảm thông và cũng hiểu được rằng trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc tìm kiếm chất liệu và hợp tác với các làng nghề là điều rất khó khăn. Phản ứng đến từ khách hàng và báo chí đều rất tích cực, tuy nhiên, đây vẫn là bài học đắt giá dành cho Biti’s, một điều để thương hiệu cũng như người tiêu dùng ghi nhớ. Động thái này nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng:

  • Điểm 10 cho pha xử lí truyền thông của Biti’s. Sẵn sàng tiếp thu, đón nhận và có kế hoạch thay đổi một cách rõ ràng, cụ thể.
  • Nhất định phải hốt e này vì thật sự quá xứng đáng, cảm ơn Bitis.
  • Biết lắng nghe và thay đổi là hành động giúp mình cảm thấy trước giờ tin và ủng hộ Biti’s là đúng đắn.
  • Đã rất lâu rồi mới nghe lại lời xin lỗi từ các thương hiệu.
  • Crisis Management rất nhanh và chuyên nghiệp, ủng hộ Biti’s.
  • Ai thích Nike, Adidas chứ mình đã dùng Bitis Hunter rồi và vô cùng hài lòng. Sẽ luôn ủng hộ Biti’s.
  • Mọi người đã cố gắng rất nhiều. Hy vọng Biti’s sẽ phát triển hơn trong tương lai.
    Sản phẩm mà lên kệ là mình sẽ mua ngay!
  • Công nhận là Biti’s xử lý khủng hoảng truyền thông cực đỉnh. Sai thì nhận và sửa, không lòng vòng đổ thừa gì hết, hướng giải quyết đưa ra đều rất hợp lý. Đôi này mình không mua vì không hợp, nhưng qua pha xử lý này của hãng thì lại có thêm lí do tiếp tục mua đôi Biti’s Hunter khác.

Hệ thống hoạ tiết vải gấm mới và thổ cẩm với sự tìm hiểu kỹ lưỡng hơn

Như vậy, Biti’s đã lắng nghe cũng như phản hồi đầy đủ khúc mắc của khách hàng, thực hiện những thay đổi trong thiết kế của mình bằng cách ngay lập tức đưa ra hệ thống hoạ tiết vải gấm mới, dễ nhận biết và quen thuộc hơn với cộng đồng nội địa. Bên cạnh đó, Biti’s tiếp tục cải thiện mẫu vải thổ cẩm để phù hợp hơn với những gì thương hiệu khẳng định về sự tham khảo và nguồn cảm hứng đến từ khu vực miền Trung.

Việc cộng đồng tiếp tục bàn luận, tiếp tục viết và có những ý kiến phản bác mạnh mẽ sẽ khiến thương hiệu cũng như những cá nhân có ý định sử dụng văn hoá trong sáng tạo cẩn thận hơn ngay từ bước tìm hiểu và nghiên cứu. Nếu có thể dùng mạng xã hội để tiếp tục chia sẻ, cơ hội để số đông hiểu về gấm, hiểu về trang phục triều Nguyễn và thêm yêu các làng nghề Việt Nam chắc hẳn sẽ rộng mở. Chúng ta đều biết cách duy nhất để khiến thương hiệu lớn chú ý và có những động thái thay đổi chính là “cancel culture” một cách có cơ sở và văn minh.

Mẫu giày mới, sau khi đã được chỉnh sửa

Suy cho cùng, điều cộng đồng cần nhất là lời giải thích hợp lý của thương hiệu về nguồn gốc xuất xứ và tính liên kết đằng sau những chiến dịch truyền thông, những mẫu mã sản phẩm mới. Sự cố của Biti’s cũng là bài học dành cho thế hệ những người trẻ làm thời trang tại Việt Nam sau này. Ý tưởng rất quan trọng, nhưng nếu lấy văn hoá làm nền tảng thì văn hoá nên trở thành điều được quan tâm bậc nhất. Đơn giản bắt đầu từ việc tìm kiếm và hợp tác cùng những làng nghề dệt vải, dệt gấm lâu đời thay vì tìm mua chúng trên các trang thương mại điện tử với mức giá mềm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *