Khỏe Đẹp Plus

CHỦ ĐỀ

THEO DÕI CHÚNG TÔI

Uống trà đã trở thành một tập tục của nhiều người trong nhiều gia đình Việt Nam – có thể coi là môt mỹ tục truyền thống đã được nhiều thế hệ tiếp nối; là một nét văn hóa rất thanh lịch đặc trưng của dân tộc. Tục ngữ cũng ghi lại sinh hoạt bình thường này trong mọi gia đình: “khách đến nhà không trà thì rượu”.

Nếu được gặp tri kỷ, ngồi bên nhau đàm đạo, cùng uống những tách trà thơm, thì thú vị và hạnh phúc biết bao! Nếu không có bạn “đối ẩm” thì những khoảng khắc ngồi một mình bên hiên nhà, hay trong phòng vắng – nhâm nhi từng hớp trà nóng, suy nghiệm những việc đã qua những chuyện đang đến – thì cũng sẽ cảm thấy man mác một tình cảm sẻ chia, một niềm an ủi dịu dàng! Tôi vẫn thường “độc ẩm” bên hiên nhà từ sáng sớm, khi ánh bình minh còn đang mờ nhạt từ phương trời xa, khi tiếng gà vừa gáy lần hai trong sân nhà ngừơi hàng xóm, khi chim muông còn chưa vỗ cánh rời tổ; luôn nhận được những cảm giác an vui, trong sáng, làm năng lượng cho một ngày vất vả sau đó!

nghe thuat uong tra cua nguoi hoa

Có người hỏi vui: “Sao bình minh không “tứ – ngủ trà”, mà là “nhất trản trà?“. Hãy thử tưởng tượng: Sáng tinh sương, sau một giấc ngủ dài, vừa thức dậy pha một ấm trà, rót ra một tách còn đang bốc khói tỏa hương – cái thời khắc giữa đêm và ngày, giữa mơ và tỉnh, giữa quá khứ và hiện tại, đều nằm trong tách trà đầu tiên ấy! Ví dụ: Có phải nụ hôn đầu tiên với người yêu – cho dầu là một thôi, vẫn là nụ hôn đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời mình? Cảm giác mong chờ, ước mơ, hy vọng sẽ được nằm trong “nụ hôn” đầu tiên ấy! Cũng vậy, cảm giác khoan khoái, tỉnh táo, yên vui (…) cũng sẽ nằm trong những hớp trà của tách trà đầu tiên thơm nồng ấy, sau một đêm dài…Người xưa nói “nhất trản trà” là nói đến cái đặc biệt đáng nhớ ấy, cho dầu sau đó – cũng sẽ nhâm nhi, uống hết ấm trà! (Cũng giống như sau nụ hôn đầu tiên – có thể sẽ có nhiều lần được hôn người yêu nữa!).

Tôi rất nể phục sự tinh tế, nhạy cảm, dày dạn kinh nghiệm người đã lưu lại bài thơ:

”Bán dạ tam bôi tửu,

Bình minh nhất trản trà.

Nhất nhật cứ như thử.

Lương y bất đáo gia”

(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tách trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không đến nhà!)

Có dị bản là:

“Bán dạ tam bôi tửu

Bình minh sổ trản trà

Mỗi nhật y như thử

Lương y bất đáo gia”

(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không phải đến nhà!).

tranong

Ở dị bản sau, “Bình minh sổ trẩn trà” (sáng sớm một tuần trà) – một “tuần trà” là một buổi uống trà. Vẫn là ý hay, nhưng theo riêng tôi, chỉ nên nói “nhất trản trà” thôi, vì sau đó, dĩ nhiên là cũng sẽ nhâm nhi cho hết ấm trà ngon (chẳng lẽ bỏ đi?).

Ngày xưa, trà Mạn Hảo được phổ biến nhiều ở miền Bắc vì trà có mùi vị rất hấp dẫn, nhưng đã dần dần trở nên khan hiếm. Ngày nay có trà Tân Cương -Thái Nguyên, các loại trà ở vùng Shan Tuyết cổ thụ Tây Bắc, trà Blao, Bàu Cạn…là những vùng trà đặc sản, cung cấp cho cả nước và xuất khẩu!

Về trà, cũng có nhiều huyền thoại lý thú, dường như mỗi nước đều có lưu truyền một hay hai huyền thoại về trà của xứ sở mình: Trung Hoa có chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lịnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà; và chuyện vua Tần Thủy Hoàng kéo quân đánh với quân một nước láng giềng. Nhưng quân đối phương do tướng Sát Cáp Nhĩ có một con tuấn mã cực kỳ dũng mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Tần. Vua Tần Thủy Hoàng sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa cho ngựa Sát Cáp Nhĩ ăn, đồng thời làm mỹ nhân kế làm Sát Cáp Nhĩ mê mệt. Lâm Phi bày chuyện uống trà trảm mã. Chiều ý người đẹp, từ lúc sáng tinh mơ Sát Cáp Nhĩ cho tuấn mã lên núi cao Ma Vương Các, ăn đọt trà non còn ướt đậm hơi sương rồi cho ngựa phi về lúc mặt trời vừa lên. Đợi cho trà thấm vào bao tử ngựa rồi giết ngựa, moi trà ra ướp mật sấy khô làm trà uống vào sẽ sống lâu. Vì Sát Cáp Nhĩ muốn có trà ngon phục vụ người đẹp mà ngựa của Sát Cáp Nhĩ phải chết. Thiếu tuấn mã dũng mãnh, Sát Cáp nhĩ đành bỏ mạng ở sa trường. Ở Ấn Độ có huyền thoại truyền rằng: Thánh Bo Rát Ma vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều… Tỉnh giấc, thánh Bo Rát Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Nhật Bản nỗi tiếng là nước có truyền thống uống trà thanh cao nhất, cũng đã ghi lại huyền thoại: Ngày xưa, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà.

Người Việt Nam biết uống trà từ thời xa xưa, bởi ngành khảo cổ qua các khai quật tại di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa. Như thế chứng tỏ người Việt Nam thời xưa đã biết uống trà khá lâu trước thời Tống.

unnamed 4

Sách An Nam Chí Lược từng ghi rằng: “Vào tháng Năm, năm thứ Tám niên hiệu Khai Bảo Đinh Liên có tiến cống vua nhà Tống trà thơm”.Tất nhiên trà tiến công phải là trà khô. Việc này chứng tỏ rằng từ thời xa xưa trước đó, người Việt Nam đạt được kỹ thuật cao trong việc chế biến sao cho trà có hương thơm (chậm nhất cũng khoảng thời Tống). Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng tập tục uống trà của người Việt Nam không hề bắt nguồn từ văn hóa Hán.

Người Việt Nam khắp nước đều uống trà tuy rằng với nhiều phương cách khác nhau.

Trà đã đi vào văn chương rất phong phú, có thời được xem là “ưu tiên” trong sinh hoạt tinh thần, bởi nó đã khơi nguồn cảm hứng cho Tâm (bên cạnh những lợi ích thiết thực của trà cho Thân):

“Uống trà trong nắng sớm

Vườn tâm đầy hương hoa”

(Viên Ngộ)

Tuệ Sỹ đã có lần bày tỏ :

“Sương mai lịm khói trà

Gió lạnh vuốt tờ hoa

Nhè nhẹ tay nâng bút

Nghe lòng rộn âm ba”

(Tuệ Sỹ)

Và Quách Tấn:

“Hương trà chưa cạn chén hàn ôn

Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn

Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển

Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn”

(Quách Tấn)

Đăc biệt, nhà thơ Mai Quang đã dành riêng một thi tập nói nhiều đến hương vị, dư âm, kỷ niệm, tình người từ cảm hứng tách trà, có tên “Mời Trà”:

“Nhặt chút hương tĩnh lặng

Hãm chung trà vô vi

Cùng cảo thơm thi bút

Mời bạn bè cố tri”

Hay:

“Mời người

chiêu ngụm trà thơm

Xem chơi cái hậu

chín hườm

trong nhau”

Những thi phẩm của Hải Thựơng Lãn Ông, Đỗ Lỗi, Viên Chiếu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Thiện Hùng, Đặng Phương Mai, Đặng Học, Thái Bá Tân, Phạm Thuận Thành, Nguyễn Bá Thắng, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Duy, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Thiên Thư, Yến Lan (…) nói đến trà, cảm xúc từ trà thật vô cùng thi vị!

Trong cuộc đời thường đang vướng nhiều hệ lụy, đang bị thúc bách bởi quá nhiều cám dỗ vật chất giả tạm, đang bị giảm hãm trong “nhà lửa” trần gian ngày một ngột ngạt – Tách trà ấm mỗi sớm mai sẽ đem lại cho tất cả chúng ta phút giây an bình, tĩnh tâm – và nhất là có thời khắt “nhìn lại mình”, để từ đó tìm thấy niềm an lạc dài lâu sau tuần trà khép lại…

HÃY VOTE NẾU TIN HỮU ÍCH!
Share.

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG KHỎE ĐẸP PLUS

  • Địa chỉ ĐKKD: Số 351 Lương Thế Vinh, P. Trung Văn – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Giấy phép thiết lập MXH số 144/GP-BTTTT, ký ngày 11/04/2017
  • Điện thoại: 0967 050 222
  • Email: khoedepplus.vn@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Ngân
  • © Sống Đẹp 2024 . All Rights Reserved.
  • Điều khoản dịch vụ
  • Chính sách Quyền riêng tư