‘’Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông’’ nhưng có những người vì quá khứ đẹp đẽ mà chấp nhận tắm mình suốt đời trong dòng chảy của nỗi nhớ. Chúng ta thật sự yêu hoài niệm, hay đang sợ hãi để bắt đầu một hành trình mới?
(Dawn)
Vừa qua, Disney vừa kết thúc hành trình tại Châu Á, gói ghém rất nhiều ký ức của biết bao đứa trẻ với Mr. Bean, Mickey Mouse ClubHouse, High School Musical,… Dù biết Disney vẫn yên vị trong hoài niệm của bao người, nhưng liệu có bộ phim nào khác có thể mang lại cảm giác tươi đẹp như những gì mà Disney đã làm trước đó? Cảm giác nhớ nhung này tiêu biểu cho định nghĩa ‘Nostalgia’, hay “những ngày xưa tươi đẹp” luôn được các nhà làm phim hoạt hình khai thác tối đa.
(Disney/Fixar)
Từ Nostalgia – hoài niệm (hoặc nỗi nhớ) thường dễ kéo theo hình dung về đoạn ký ức buồn bã và dai dẳng. Nhưng nếu đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc của từ này, Nostalgia thật ra không bi quan như ta đã nghĩ. Năm 1688, Johannes Hofer – một bác sĩ người Thụy Sĩ đã tạo ra thuật ngữ “Nostalgia” để mô tả một dấu hiệu bệnh lý về nỗi đau. Xuất phát từ Hy Lạp, tiếp đầu ngữ Nostos có nghĩa là trở lại quê hương, còn algos có nghĩa là nỗi đau, niềm khao khát.
Vào giữa thế kỷ 19, nước Anh đã trải qua cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, làm thay đổi lối sống định cư cũ, ném mọi người vào các thành phố lớn và vô danh. Để xoa dịu đi thực tại ấy, không có cách nào khác ngoài việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật về một thế giới không có bạo lực, và sự tàn ác. Đó là hình ảnh những người lao động đẹp trai, ít học nhưng vui vẻ; những dân làng hạnh phúc ăn mừng mùa màng; và các vị lãnh chúa tốt bụng chung sống hòa bình cùng những người nghèo khó… Tất cả những biểu hiện đó đều có bóng dáng của “Nostalgia’’ – hoài niệm. Mãi đến thế kỷ 20, Nostalgia được mở rộng ra để diễn tả cảm xúc có ở bất cứ người bình thường nào, về ranh giới giữa việc yêu hoài niệm hay sợ bắt đầu một hành trình mới.
(Aditya Pratama)
Trong cuốn The Future of Nostalgia, tác giả Svetlana Boym tạm chia Nostalgia thành 2 loại:
- Restorative (phục hồi): là một hình thức mà bạn cố gắng xây dựng lại hoặc sống lại mọi thứ trong quá khứ.
- Reflective (phản xạ): hình thức mà cảm giác khao khát nhưng trong tiềm thức bạn chấp nhận rằng quá khứ là quá khứ.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến cơ chế (tự) kích hoạt sự hoài niệm: một bộ phim cũ, một câu nói từ người quá vãng, mùi nước hoa từ người bạn, một món đồ được ông bà tặng từ thời thơ ấu,… Những điều này có thể trở đi trở lại, thường nhật, thậm chí gây nên nỗi ám ảnh khiến bạn lệ thuộc vào những gì đã qua, xem chúng là báu vật mà không thể tìm cho mình cảm giác nhớ nhung tương tự với những việc của hiện tại và những mong đợi trong tương lai.
Truy vết quá khứ, giữ hoài niệm hay tìm cách thay đổi để thích nghi?
Trải dài hành trình của mỗi người, thay đổi là điều mặc định. Từ những thay đổi về không gian học tập, vị trí trong công việc,…đến những thay đổi trong suy nghĩ, nhìn nhận về thế giới xung quanh. Đây thường được xem là những thời điểm vô tư và ít trách nhiệm – nơi mà cuộc sống và tương lai của chúng ta vẫn còn ở phía trước và có nhiều cảm giác tự do hơn. Tuy nhiên, mọi người luôn mong mỏi sự ổn định. Thậm chí, cảm giác giữ mãi một hồi ức tươi đẹp khiến họ thấy an toàn hơn việc cởi mở với những bất định sắp xảy đến. Bằng một cách liên tưởng nào đó, con người có thể cho rằng sự thay đổi có thể đe dọa đến ký ức hạnh phúc của họ, đặc biệt là khi sự đổi mới luôn đòi hỏi rất nhiều năng lực thích nghi.
(Billie Muraben)
Nói đơn giản hơn, hoài niệm là một khao khát buồn vui lẫn lộn về quá khứ. Đó là một buổi chiều ngọt ngào của 3 tháng trước đây khi ta vẫn còn ở bên cạnh gia đình bên mâm cơm đủ đầy. Thì giờ đây, hiện thực thật cay đắng vì nhận ra bản thân đang chen chúc trong 4 bức tường trọ với những bữa ăn bấp bênh theo đơn rau củ bữa có bữa không. Hoài niệm có thể khiến ta quên đi cảm giác đói khát, cô đơn, buồn tủi trong một phút giây ngắn hạn, nhưng càng nhớ về những ngày tươi đẹp ấy, một nỗi sợ lâu dài càng rõ ràng hơn: ngày mai sẽ kéo đến với rất nhiều lo toan chuyện bữa ăn, sức khỏe, giãn cách, chi phí, việc làm,…
Sống cùng với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, sự linh hoạt thay đổi là điều bắt buộc, dù cho trước đó chúng ta đã từng có cuộc sống mơ ước ra sao. Rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến; những thói quen mua sắm vô tội vạ nay gói gọn lại những món cơ bản như: thực phẩm, hàng thiết yếu, thuốc men;… Càng sống với thực tại, càng thấm thía cái ranh giới mong manh của ngày xưa và ngày nay, liệu chúng ta có còn giữ lòng kiên trì với bức tường thành quá khứ mà không bước vào một hành trình mới không?
Hấp lực từ việc đối mặt với những điều mới bất định
Trước đây, các nhà lý thuyết từng có xu hướng coi hoài cổ là một điều tồi tệ – một sự rút lui, trốn chạy khi đối mặt với những điều mới. Năm 1985, nhà lý thuyết phân tâm học Roderick Peters mô tả nỗi nhớ cực độ là suy nhược, một thứ gì đó “dai dẳng và cản trở sâu sắc đến nỗ lực của cá nhân để đối phó với hoàn cảnh hiện tại của họ.”
Theo thời gian, con người dần học cách đối mặt với tương lai bất định. Theo một nghiên cứu của Đại học Southampton, Nostalgia làm tăng sự lạc quan cho tương lai. Khi được yêu cầu viết ra suy nghĩ về hoài niệm, hầu hết những người tham gia khảo sát đều có xu hướng lý tưởng hóa quá khứ bằng cách lược bỏ toàn bộ những chuyện đau buồn. Kết quả này có thể được thấu hiểu qua quan niệm mà người ta vẫn hay động viên nhau “mọi việc sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn” hay ‘’mọi việc rồi sẽ ổn thôi’’.
(Trung Tran)
Một nghiên cứu khác vào năm 2015 đã chỉ ra rằng sự hoài niệm có thể là một động lực vô cùng to lớn. Dù trưởng thành có thể đi kèm với những nỗi cô đơn, nhưng ý nghĩ chúng ta vẫn luôn có một bến đỗ là gia đình để quay về cũng đủ sức trấn an chúng ta ở hiện tại. Những ký ức tốt đẹp này có thể thúc đẩy lòng can đảm để đối mặt với nỗi sợ hãi, chấp nhận rủi ro hợp lý và học cách đối mặt với những điều mới bất định. Từ đó, mỗi người sẽ nhận ra những giá trị tích cực từ hoài niệm như sau:
- Tham chiếu lại quá khứ để thấy bản thân mạnh mẽ hơn, tích cực hơn.
- Trân trọng những điều đã qua và cơ hội được sống, từ đó tìm ra sứ mệnh của chính mình.
- Cảm giác thuộc về chính mình và khả năng kết nối với mọi người xung quanh từ trải nghiệm sâu sắc trong quá khứ.
- Tìm thấy động lực và cảm hứng vì những ngày ‘’hôm nay tốt hơn hôm qua’’, từ đó tìm ra giải pháp để cải thiện những điều khiến bạn chưa hài lòng.
- Hoài niệm thậm chí có thể thôi thúc bạn tìm kiếm sự trợ giúp cho hội chứng trầm cảm.
Sau hoài niệm, hãy chủ động bắt đầu một hành trình mới
Từ góc độ tâm lý học, việc hoài niệm theo một cách tích cực có thể giúp các cá nhân vượt qua chấn thương do san chấn bạo lực và mất mát. Thật tốt để có thể ngược dòng về ấu thơ, được trẻ lại, hay được sống lại những ngày hẹn hò xưa cũ. Tuy nhiên, cảm giác kéo níu niềm vui ấy là chưa đủ để chúng ta có được hạnh phúc bền vững trong đời. Và nếu không được điều trị thích hợp, con người có thể sản sinh cảm giác bị chìm đắm vào hoài niệm ác tính dẫn đến khao khát vĩnh viễn được ở lại quá khứ.
Học cách chấp nhận những điều tốt đẹp đã từng tồn tại
Thay vì để những tốt đẹp quá khứ làm lung lay, hãy thử đi sâu vào bên trong ký ức của bạn để nhìn ra bức tranh chân thực hơn, trả lời cho câu hỏi: chúng ta còn nuối tiếc về điều gì đã từng?
Trong quá khứ, bạn và bạn bè của bạn đã từng có rất nhiều niềm vui, đã sống trọn vẹn với nhau trong thời thanh xuân sôi nổi. Vì một lý do nào đó mà hiện tại họ và bạn không còn gặp nhau nữa, nhưng không có nghĩa là những điều tốt đẹp ấy chưa từng tồn tại. Thêm vào đó, khi bạn thực sự nhìn lại mối quan hệ của mình, bạn sẽ nhận ra rằng nó gần như không bền chặt như những mối quan hệ mà bạn có bây giờ. Vậy tại sao bạn vẫn còn dằn vặt mình về người đã từng đi qua cuộc đời mình?
(Maeve Norton)
Tìm về với chánh niệm
Dành thời gian cho việc tìm về chánh niệm (mindfulness) có thể có lợi cho bạn khi những suy nghĩ hoài niệm kích thích sự lo lắng và suy ngẫm, tránh việc tâm trạng của bạn rơi vào vòng xoáy tiêu cực.
Tập trung vào hiện tại, bạn sẽ nhớ rằng bất kỳ cảm giác tiêu cực nào xuất hiện chỉ là những điều thoáng qua và chúng không thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn lúc này. Thay vì đau đáu về “bây giờ” và “trước đó”, đi sâu vào hoài niệm có thể giúp bạn nuôi dưỡng lòng biết ơn, thêm trân quý những khoảnh khắc hoặc những người thực sự đã thay đổi cuộc đời bạn.
Tìm kiếm những mối quan hệ viên mãn
Khi nỗi nhớ dẫn đến khao khát bắt đầu những mối quan hệ viên mãn, bạn nên tìm cách hướng về những người quan trọng hiện tại của bạn. Những mối quan hệ mới, những hành trình mới cần thời gian để thích ứng, nhưng hãy nhớ rằng bạn không hề cô độc.
Bạn cũng nên dành cơ hội (tái) kết nối với những người mà quan tâm nhất. Giãn cách xã hội khiến chúng ta không thể đi ra ngoài nhưng lại cho ta cơ hội đi vào bên trong nhiều hơn và phát sinh thời gian để quan tâm những người xung quanh mình một cách sâu sắc hơn.
(Janne Iivonen)
Tin tưởng vào những quyết định của chính mình ở thời điểm hiện tại
Đi qua nhiều hành trình với rất nhiều những điều đáng nhớ, nhưng trong số nỗ lực đó, vừa hay cũng có những điều khiến ta mãnh liệt nhận ra tại sao chúng ta cần thay đổi nhiều đến vậy. Đánh mất hoài niệm đã từng là nỗi ám ảnh của chúng ta, về câu chuyện hạnh phúc của hiện tại có khả năng không bao giờ tới. Nhưng khi chúng ta thật sự bình tâm, nhận ra mình luôn hồ hởi tiến về phía trước với những hành trình mới, cảm giác nhớ nhung thật sự dễ chịu hơn rất nhiều. Và dù cho phía trước là điều gì sẽ xảy đến, hãy nuôi dưỡng lòng tin và chịu trách nhiệm với quyết định của chính mình. Sau đó là việc chủ động bắt đầu một hành trình mới từ những gì ta thu thập được trong quá khứ và những dữ liệu của hiện tại. Đó là lúc hoài niệm thật sự đẹp đẽ, và có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời một người.
Với những hoài niệm đẹp đẽ, ta dễ dàng bị cám dỗ, thấy yêu thích và dịu dàng với việc sống lại ký ức ấy lần nữa. Nhưng đó cũng chính xác là lúc ta cần thoát ra, chủ động bắt đầu một hành trình mới với một tâm thế mới hơn. Cuối cùng, khi chúng ta tập trung vào trải nghiệm cuộc sống của chính mình – tìm lại ức hạnh phúc – thì hoài niệm sẽ là một liều vitamin quý giá giúp ta không ngừng vươn lên. Thay vì nhốt chúng ta trong quá khứ, hoài niệm có thể giải thoát ta khỏi nghịch cảnh bằng cách thúc đẩy sự phát triển cá nhân – và tạo ra hy vọng cho tương lai.